Bạc Liêu: Hội thi tìm hiểu “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và bản Dạ cổ hoài lang” năm 2024
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày ra đời của “Bản dạ cổ hoài lang” (1919 – 2024), kỷ niệm 11 năm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và kỷ niệm 10 năm Festival Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ nhất được tổ chức tại Bạc Liêu và chào mừng Thành công Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bạc Liêu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Chiều 20/9/2024, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thi tìm hiểu “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và bản Dạ cổ hoài lang” năm 2024.
Tham dự Hội thi có các đồng chí: Phan Thanh Duy – UV.BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lê Kim Thuý – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Phạm Tuấn Tài – Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh; Thái Quốc Lưu – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh; Nguyễn Trang Anh Thư – Phó Bí thư, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tỉnh; Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo Ban Văn Hoá – Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ban Dân chủ Pháp Luật, UB MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan Đoàn thể tỉnh; các đồng chí trong Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ biên soạn câu hỏi và thư ký Hội thi; các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành Tỉnh đoàn; các đồng chí đại diện lãnh đạo phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã; thành phố; đại diện lãnh đạo các Huyện, Thị, Thành đoàn và các Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn và hơn 200 cổ động viên, thí sinh là đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong tỉnh.
Tham gia Hội thi có 21 thí sinh đến từ 09 đội là các đơn vị huyện, thị, thành phố; Đoàn khối CCQ tỉnh và Trường Đại học Bạc Liêu. Các đội thi trải qua 3 phần thi: Phần thứ nhất “Tự giới thiệu” - Bằng các hình thức tự do, hát, thơ, hò, vè.... các đội lần lượt giới thiệu về đội và các thành viên của mình. Phần thứ hai “Trắc nghiệm kiến thức” - Ban Tổ chức chia thành 03 bảng, mỗi bảng gồm có 3 đội thi, đại diện thành viên mỗi bảng thi chọn bộ đề và cùng trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh nội dung về sự ra đời, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, bản Dạ cổ hoài lang và về cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Phần thi thứ ba “Thể hiện tài năng” - Các đội thi trình bày bản Dạ cổ hoài lang đúng lời chuẩn theo Quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu và trình bày 01 trong 20 bản tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức chọn ra 06 đội có tổng số điểm cao nhất để bước vào phần thi ca với các điệu thức theo bốc thăm ngẫu nhiên.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đơn vị huyện Đông Hải; giải nhì cho đơn vị huyện Phước Long và Vĩnh Lợi; giải Ba cho các đội thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình và Đoàn khối các cơ quan tỉnh; giải Khuyến khích cho các đơn vị còn lại: Thành phố Bạc Liêu, huyện Hồng Dân và Trường Đại học Bạc Liêu.
Hội thi không chỉ là dịp để cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và bản Dạ cổ hoài lang; qua đó, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt, tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng trẻ trong cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, góp phần quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử của tỉnh nhà đến sâu rộng trong quần chúng nhân dân cả nước.