MẬT THƯ
Trong các kỹ năng sinh hoạt tập thể và tổ chức các hoạt động vui chơi, đặc biệt là để tạo hứng thú cũng như bí ẩn đối với khách du lịch, nếu chúng ta biết khai thác yếu tố bất ngờ từ một dạng truyền tin đã được mã hóa thì mật thư chính là cái mà chúng ta cần.
Khái niệm chung: Mật thư là một dạng văn bản đã được mã hóa, thông qua đó người nhận được sẽ phải tham gia vào một quy trình giải mã thì mới có thể biết được nội dung được truyền tải là gì.
Một số từ chuyên môn: Khi tham gia mã hóa cũng như giải mã mật thư, chúng ta thường gặp một số từ, cụm từ chuyên môn như sau:
- Bạch văn: là đoạn văn bản được thể hiện một cách rõ ràng mà ai cũng có thể đọc và hiểu được.
- Mật thư: là đoạn văn bản đã được mã hóa.
- Mã hóa: là công đoạn chuyển bạch văn sang mật thư.
- Giải mã: là công đoạn chuyển mật thư sang bạch văn.
- Chìa khóa: thông tin để giải mã.
- AR: ký hiệu kết thúc bản tin.
Mật thư là một văn bản mã hóa theo quy ước giữa người mã hóa và người giải mã, chính vì thế nó rất đa dạng và bất kỳ một ai cũng không thể tự nhận mình là người biết tất cả các dạng mật thư. Tuy nhiên sự quy ước kia vẫn phải tuân theo một số nguyên tắc và yêu cầu chung, dựa trên những nguyên tắc, yêu cầu đó chúng ta có thể tạm chia mật thư thành 3 hệ thống.
Quy định chung:
- Sử dụng bảng chữ cái tiếng anh (26 ký tự).
- Sử dụng bảng mã Telex để bỏ dấu tiếng việt.
- Khi dùng số thay thế thì đánh số lần lượt từng ký tự từ 1 – 26 và xoay vòng tròn. Số 26 luôn là số cuối cùng.
I. Hệ Thống Dời Chổ:
* Là hệ thống mà trong đó mật thư sẽ được mã hóa gây nhiễu bằng cách:
- Thay đổi vị trí các ký tự, từ, cụm từ, câu trong bạch văn.
- Chèn thêm các ký tự, từ, cụm từ vô nghĩa vào bạch văn.
Ví dụ 1:
MT: Trại đất về đường dấu nhìn 1 lộ quốc đường theo đi/AR
CK: Được ngọc.
Giải: Được ngọc = đọc ngược -> chúng ta đọc ngược lại. Tìm ra bạch văn “ Đi theo đường quốc lộ 1 nhìn dấu đường về đất trại”.
Ví dụ 2:
MT:
T A A U X
S V Y A I
P E Q U W
H E F N O
A T S A R
CK: Hãy nghĩ về hôm qua.
Giải: Nghĩ về hôm qua = nghĩ về quá khứ. Như vậy ta đi ngược thời gian = ngược chiều kim đồng hồ. Đây là dạng mật thư xoắn ốc. Bắt đầu từ chữ Q trong tâm hình vuông lấy ngược ra theo hình xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ. Bạch văn: “Quay về nơi xuất phát”.
II. Hệ Thống Thay Thế:
* Là hệ thống mà trong đó mật thư sẽ được mã hóa bằng cách dùng cái này thay thế cho một cái khác với khá nhiều dạng. Cụ thể: Số thay chữ, chữ thay chữ, hình vẽ thay chữ…
- Đây là hệ thống mà người ta thường hay dùng nhất khi thiết kế các hoạt động trò chơi cần dùng đến mật thư.
Để giải được các dạng mật thư trong hệ thống này, đòi hỏi người giải phải có một sự hiểu biết nhất định về mật thư để giải khoá.
Trong chìa khoá người mã hoá thường dùng một số từ ngữ ký tự theo phát âm, theo nghĩa của cụm từ để người giải liên tưởng và suy luận
Ví dụ 1:
MT: GZXW / SHLE / NNMF / KZNW / BZZT / BZT / ADDM / ANWE / GNNE/ AR.
CK: anh em cùng đi.
Giải: đây là dạng mật thư chữ thay chữ.
Chìa khoá: anh em cùng đi -> N = M, ta lấy chữ M trong mật thư thay vào N trong bảng chữ cái chuẩn rồi tiếp tục xoay vòng cho đến hết bảng chữ cái thì sẽ tìm ra Bạch văn: “Hãy tìm ông lão câu cá bên bờ hồ”.
Ví dụ 2:
MT: 3,3,4,4,13,18 / 13,7,26,5 / 21,26,22,13 / 7,14,26,18 / 16,10, [7] / 23,8,13 / 2,7,20,22,23 / AR.
CK: anh cả đi cuối.
Giải: đây là dạng mật thư số thay chữ.
Chìa khoá: anh cả đi cuối -> A = 26. đánh số 26 vào vị trí ký tự A rồi sau đó trở lại và tiếp tục đánh số cho đến hết bảng chữ cái (B=1, C=2…) Thay vào ta sẽ ra Bạch văn: “Đến nhà văn hóa QK7 xin chữ”.
Bên cạnh đó còn dạng hình thay chữ như dạng mật thư Chuồng bò:
Đây là dạng mật thư được mã hoá bằng hình thay cho chữ và chìa khoá(nếu có) sẽ mang tính gợi ý cho người giải biết mật thư ở dạng thứ mấy. Như vậy người giải buộc phải nhớ bảng thay thế để giải mật thư.
2. Ngoài ra còn có dạng chuồng Câu.
3. Bên cạnh đó ở hệ thống này cũng khá đa dạng như:
Dạng mật thư Morse, hình vẽ (hoa lá, toạ độ, chữ – số La Mã, Hy Lạp…).
III. Hệ Thống Ẩn Dấu:
- Với hệ thống này khi nhận được mật thư và đọc qua, ta thấy mật thư là một đoạn văn, bài thơ có nghĩa hẳn hoi, đôi khi lại là một mảnh giấy trắng (dùng hoá chất). Tuy nhiên trong đó lại chứa đựng một nội dung khác mà sau khi nghiên cứu và giải khoá, ta sẽ nhận được nội dung cần tìm.
IV. Một Số Dạng Khác:
- Bên cạnh đó mật thư rất đa dạng và mang tính quy ước nên trong quá trình sinh hoạt người ta có thể sáng chế ra rất nhiều dạng thú vị từ đơn giản đến phức tạp. Ngay từ những thói quen hàng ngày, ta cũng có thể biến nó thành những mật thư khá thú vị như: đọc ngược, đọc lái, tiếng lóng, phát âm địa phương, từ ghép, tục ngữ, thành ngữ ..v..v…
V. Một Số Từ Khoá Thay Thế Thường Dùng:
A: anh cả, người đứng đầu… M: em, W lộn ngược…
B: bê, bò con, bờ… N: anh, Z nằm ngang…
C: cacbon, xê, cờ… O: quả trứng, cái ao…
D: con dê, đê… P: phở, pêđê…
E: e thẹn, ngại ngùng… Q: rùa, O có đuôi…
H: cái thang, hát… T: điện giật, ngã 3…
I: thang nằm ngang W: thế giới, M lộn ngược.
Y: Ngã 3 đều, giống tiếng ko giống người X: ngã 4, ngang dọc như nhau…
K: ca hát…
VI. Mẹo Giải Mật Thư:
Lập vòng đĩa: đối với hệ thống mật thư thay thế ta có thể làm vòng đĩa để dễ dàng hơn khi giải, nếu có sẵn vòng đĩa này chúng ta sẽ đỡ mất công đoạn chép lại bảng chữ, (số) thay thế. Cách làm như sau: cắt 3 miếng bìa có kích thước lớn nhỏ khác nhau, sau đó đặt lồng chúng lại (đồng tâm). Trên mỗi vòng chúng ta chia ra làm 26 phần bằng nhau và đánh thứ tự từ A – Z ở vòng 1, rồi từ 1 – 26 ở vòng 3, vòng 2 sẽ làm như vòng 1. Như thế khi gặp dạng mật thư thay thế ta chỉ cần xoay vòng tròn chữ (số) đến vị trí tương ứng thay thế vào mật thư. Như thế sẽ nhanh hơn là chép thủ công.