Trong niềm vui vô hạn đó, chúng ta tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng dân tộc lỗi lạc đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta, người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt bao sóng to, gió cả để ngày nay cập bến vinh quang.
Trong không khí hào hùng của ngày toàn thắng, lòng chúng ta xiết bao xúc động nhớ tới Bác Hồ kính mến, tưởng như còn vẳng bên tai lời Người dạy: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Chúng ta hết sức tự hào đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn trên đây trong Di chúc thiêng liêng của Người, như trong Diễn văn với tiêu đề DÂN TỘC TA CÓ ĐỦ TINH THẦN VÀ NGHỊ LỰC, SỨC MẠNH VÀ TÀI NĂNG, BIẾN NƯỚC TA THÀNH MỘT NƯỚC VĂN MINH, GIÀU MẠNH của đồng chí Lê Duẩn trong buổi lễ mừng chiến thắng vào ngày 15/5/1975 tại Hà Nội đã khẳng định.
Chúng ta cũng nhớ lại và trân quý tình cảm của Người khi khéo léo từ chối nhận lời đề nghị của Quốc hội trao tặng tấm huân chương cao quý nhất - Huân chương Sao Vàng tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa II. Về sự kiện này, phát biểu trước Quốc hội, Người bày tỏ: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”(1).
Với khí tiết và đạo đức cách mạng của người cộng sản chân chính, Chủ tịch luôn luôn đề cao những chiến công, anh hùng tập thể và chưa bao giờ đề cập đến công trạng của cá nhân mình; luôn coi sự cống hiến của mình đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới là chưa bao giờ đủ, nhất là “trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng bào miền Nam đang hằng ngày hằng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh, kiên quyết chống bọn cướp nước hại dân, để giành lấy quyền tự do, quyền sinh sống”(2) thì Người chưa thể nhận tấm huân chương cao quý ấy.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đoàn đại biểu Quốc hội Nam bộ do nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Tạo dẫn đầu ra Hà Nội báo cáo trước Quốc hội, tố cáo những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta ở Sài Gòn, Cao Lãnh… và nói lên niềm tin tưởng, kiên định của đồng bào miền Nam đối với Chính phủ Hồ Chí Minh. Nghe xong, Bác Hồ bước tới ôm lấy đồng chí Nguyễn Văn Tạo. Người xúc động nói: “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”(3).
Với tình yêu vô hạn, cảm phục tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất với đồng bào miền Nam; đặc biệt là sự thấu cảm nỗi thống khổ của đồng bào miền Nam dưới ách thống trị tàn bạo của Mỹ, ngụy; Người cho rằng, đồng bào miền Nam - hơn ai hết và không ai khác mới xứng đáng được tặng huân chương cao quý nhất: “Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc” và xứng đáng được tặng huân chương cao quý nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(4).
“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”(5) là tâm nguyện và khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác” trong Di chúc bất hủ đã trở thành hiện thực bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Người mong muốn được đồng bào miền Nam trao cho mình huân chương cao quý trước Quốc hội hóa ra là lời hiệu triệu cổ vũ toàn toàn dân tộc, nhất là bà con miền Nam nhất tề đứng lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, để Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối.
Năm 1967, Ðảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Huân chương Lê-nin, nhưng Bác cũng từ chối, vì không muốn riêng mình được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn. Người đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Liên Xô tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Ðến ngày nhân dân Việt Nam đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, Người sẽ đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam trân trọng và vui mừng lãnh lấy huân chương mang tên Lê-nin vĩ đại. Nhưng, đến ngày Bác đi xa, trên ngực Người vẫn không một tấm huân chương. Vì sao như vậy? Không một câu trả nào đầy đủ hơn lời nhà thơ Minh Huệ: “Vì một lẽ thường tình. Bác là Hồ Chí Minh”.
Trung tá, TS HÀ SƠN THÁI
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng