Liên kết web
Công báo Bạc Liêu
Người dân hỏi CQ Chức năng trả lời
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Câu chuyện: Chữ "quan liêu" viết như thế nào?

Những câu chuyện kể về Bác
Thứ năm, 02/05/2019, 07:30
Màu chữ Cỡ chữ
Câu chuyện: Chữ "quan liêu" viết như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất và là một trong những con người đẹp nhất của thời đại. Bác chính là kết tinh của vẻ đẹp Việt Nam - người chính là sen của loài người. (Chế Lan Viên). Từ thuở còn nằm trong nôi ai chẳng được nghe tiếng ru tha thiết của mẹ: “Tháp mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác có rất nhiều câu chuyện được kể lại, mỗi câu chuyện kể về Bác là một bài học, một tấm gương đạo đức sáng ngời, một lối sống cao đẹp và một tấm lòng thanh khiết vì dân, vì nước. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn.
Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức là quan trọng hàng đầu.
Người chỉ rõ, đạo đức là “gốc”, nền tảng của người cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, “Tự diễn biến” “Tự chuyển hóa’’ trong nội bộ.
Đó là lý do tôi rất tâm đắc với câu chuyện “Chữ quan liêu viết như thế nào” Trích trong: Bác Hồ với Chiến sỹ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Hà Nội năm 1994.
Chuyện kể rằng: Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất quan tâm đến công tác giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ. Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện và dặn dò. Cuối buổi, Bác cầm một cái que và nói:
- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này, xem các chú có biết không nhé!
Anh em hưởng ứng:  - “Vâng ạ!” “Vâng ạ!”.
 Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì lại băn khoăn:
Có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?
Bác vẽ một vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: - Chữ gì nào?
Tưởng chữ “phạn”, chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên:  - Thưa Bác, chữ “nhất” ạ!
Bác khen:  - Giỏi đấy!
Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:
-  Chữ “nhị” ạ!
Bác động viên: - Giỏi lắm!
Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.
- Chữ “tam” ạ..
Bác cười:  - Khá lắm!
Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”: - Chữ gì nào?
“Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi... Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!
Bác giục: - Thế nào? Các nhà “mác - xít”?
Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai thì đã “queo”, vạch ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...
Bác đứng dậy: - Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...
Để que xuống đất, Bác nói:
Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...
Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác!
Mẩu chuyện rất giản dị, gần gũi, chân tình, Bác đã làm mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ nhưng khi nhận ra được vấn đề thì mọi người lại được hiểu một cách sâu sắc về nó và tự suy ngẫm trong bản thân mình.
Qua câu chuyện, Bác đã thẳng thắn phê phán bệnh quan liêu của những cán bộ, những người có chức có quyền, những cán bộ “không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Quan liêu cửa quyền là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những căn bệnh khác như tham ô, lãng phí...Đây là một căn bệnh mà rất nhiều cán bộ thường hay mắc phải và rất khó điều trị nhưng không phải là không trị được. Câu chuyện là bài học quý giá cho tất cả chúng ta, bất cứ ở cương vị nào cũng không nên cậy chức cậy quyền, hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân. Bệnh quan liêu bao giờ cũng đưa đến một kết quả là hỏng công việc. Do vậy việc chống quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, đồng thời giúp cán bộ công chức, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân và Tổ quốc.
 Sáu mươi sáu năm đã trôi qua, đất nước ta đã có nhiều thay đổi, đã có nhiều giáo sư, tiến sỹ, có biết bao nhiêu lớp học cao cấp chính trị đã tốt nghiệp và có bao nhiêu cử nhân chính trị hiện đang làm trong các cơ quan Nhà nước. Nhưng giá trị bài học năm nào của Bác thì vẫn còn nóng hổi đến tận bây giờ. Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực tham gia xây dựng và làm giàu cho đất nước, xây dựng quê hương bản làng no ấm văn minh, thì thật đáng buồn có không ít vị cán bộ lại chỉ muốn thu lợi ích cho cá nhân, vi phạm tham nhũng lãng phí tiền của nhà nước. Cứ mỗi lần cơ quan điều tra hay báo chí phanh phui ra một vụ tiêu cực là người dân lại một lần thêm mất lòng tin.
Trong giai đoạn hiện nay, mặt trái cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã sa vào lối  sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức lối sống, những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, lợi dụng quyền hành, thoái hóa biến chất đã xảy ra, làm cho uy tín của đảng viên và vai trò của tổ chức Đảng giảm sút. Để khắc phục nguyên nhân nêu trên, cần nâng cao chất lượng việc chống quan liêu tham nhũng, lãng phí, cần có những giải pháp khả thi, trong đó phải triển khai sâu rộng công tác giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống trong toàn Đảng, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải trung với nước, hiếu với dân, biết yêu thương, quý trọng con người; phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức suốt đời, nói phải đi đôi với làm, xây phải đi đôi với chống.
 Mỗi chúng ta phải luôn tự đấu tranh để ngăn chặn căn bệnh quan liêu bằng cách phải tự đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, hoan nghênh khi được nhân dân phê bình, góp ý; phải sẵn sàng học hỏi nhân dân, tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh là phải biến nhận thức thành ý chí, thành tình cảm cách mạng.
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của Phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh:
“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp rực rỡ. Nhân dân ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam, đã sinh ra và cống hiến những con người ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời, bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Người chỉ rõ công tác phụ nữ trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội một trong những nội dung quan trọng, là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Là một đoàn viên thanh niên đang công tác trong hội Liên hiệp phụ nữ huyện, là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ trong huyện, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng và sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; đổi mới nội dung phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ” góp phần xây dựng huyện Mù Cang Chải giàu đẹp, văn minh.
Tôi ý thức được rằng càng cần phải khắc sâu Bài học về “Chữ quan liêu của Bác”. Bởi vì phụ nữ nói chung vốn thiệt thòi do định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng, đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ khuyết tật còn nhiều khó khăn, gánh nặng cơm áo, gạo tiền và nuôi dạy con cái đè nặng trên vai, nhất là đối với chị em phụ nữ vùng cao thì lại càng thiệt thòi hơn, trình độ học vấn thấp, ít được học hành, giao tiếp rộng. Tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nạn bạo lực gia đình ngày càng phức tạp, tình trạng suy thoái tư tưởng đạo đức của một bộ phận chị em phụ nữ chưa được đẩy lùi.
 Vì vậy, là cán bộ Hội bản thân tôi luôn phải trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực công tác đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để khi tuyên truyền vận động Hội viên không làm sai lệch chủ trương-đường lối của Đảng, chính sách - pháp luật của nhà nước cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. Thông qua các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không 3  sạch” “cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, góp phần đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, không dập khuôn máy móc, cho chị em phụ nữ vùng cao. Giúp phụ nữ xóa bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại, có ý chí tự lập, tự cường, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, vươn lên để khẳng định mình. Tăng cường các hoạt động nếp sống văn hóa, nhất là việc cưới, việc tang, vận động đồng bào Mông  ăn chung một tết Nguyên đán, tích cực đấu tranh tham gia xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu.
Trong những năm qua, các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, chủ động tham mưu tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, tiềm năng và giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện, có nhiều cán bộ chủ chốt trưởng thành từ công tác Hội hiện đang giữ vị trí công tác quan trọng của Huyện và Tỉnh.
Chị em phụ nữ các dân tộc trong huyện đã vươn lên tự khẳng định mình, làm kinh tế giỏi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tích cực hội nhập quốc tế. Nhiều chị đã trở thành những nhà kinh doanh, sản xuất giỏi như chị: Đoàn Thị Phương - tổ 4 - Thị trấn huyện, Vàng Thị Dông - bản Xéo Mả Pán A - xã Khao Mang, Chị Sổng Thị Vang - bản Pú Cang - xã nậm Khắt, chị Lương Thị Pỏm - tổ 9 - Thị trấn huyện Mù Cang Chải.
Hội Liên hiệp phụ nữ  huyện Mù Cang Chải đã và đang tiếp tục chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tổ chức thăm hỏi Hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, tết, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho chị em phụ nữ để tăng thêm thu nhập. Đặc biệt là trong dịp bão lũ vừa qua, nhiều gia đình hội viên đã bị sập nhà, trôi hết nhà và tài sản, vợ mất chồng, con mất cha, thiên nhiên đã gây ra biết bao tang tóc cho các gia đình trong nhiều xã trên địa bàn huyện, Hội phụ nữ huyện đã chỉ đạo hội viên trên 14 xã, thị trấn, giúp nhau hàng ngàn ngày công lao động, cùng với các cơ quan chức năng của huyện tiếp nhận hàng cứu trợ, vận động cán bộ, hội viên ủng hộ để giúp Hội viên  bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo và trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu xứng đáng với tám chữ vàng Bác đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cục vào sự nghiệp xây dựng Việt nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.     
Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của người sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn và mong sao mỗi người chúng ta ở mỗi cương vị, vị trí công tác đều học tập và làm theo lời Bác, để khắc phục sự suy thoái đạo đức, lối sống, bớt đi những tệ tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí, để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”./.

 

 

 

Số lượt xem: 13647

 
 
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH BẠC LIÊU
Đơn vị quản lý: Tỉnh đoàn Bạc Liêu
Chịu trách nhiệm chính: Đồng chí Phạm Tuấn Tài - Bí thư
Địa chỉ: Số 02, đường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.824.003 - Fax: 02913.826.040 - Email: banbientaptdbl@gmail.com