Không chỉ kiên quyết trước cái xấu, Bác Hồ còn căn dặn “không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên cho mình”.
1. “Diệt sâu mới cứu được cây”
Một buổi chiều giữa tháng 6 ba năm trước, tại Hội trường Ba Đình, bộ trưởng Bộ Công an đã phải lúng túng trước những câu hỏi của Quốc hội về lý do tại sao không điều tra vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm quên va ly chứa nhiều phong bì tiền ở sân bay, tại sao “tha” một số quan chức Tổng Công ty Dầu khí vì lý do tuổi tác trong vụ cảng Thị Vải,... Chủ tịch Quốc hội (khi đó là ông Nguyễn Văn An) nói thẳng: “Bộ Công an thì có quyền đề nghị viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan (không xử lý quan chức dầu khí vì tuổi cao - PV) nhưng quyền ấy phải theo pháp luật. Nếu quyền mà không đúng pháp luật thì sẽ mất lòng tin. Không phải có quyền thì ta muốn làm gì cũng được. Cho nên nếu theo luật hình sự... “tuổi cao, về hưu, có sự cống hiến cho ngành” đấy là yếu tố giảm nhẹ chứ không (là yếu tố - PV) loại trừ”.
Hơn 60 năm trước, Bác Hồ đã dự liệu về những chuyện như thế. Trong thư gửi những người dự Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2-1948), Bác căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.
Hai năm sau (1950), đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu bị phát hiện lợi dụng chức quyền tham ô ăn chơi, bị kết án tử hình. Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết. Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”. “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”. “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”. Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.
Sau một đêm trắng, Hồ Chủ tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành.
2. Tôn trọng lợi ích của dân
Dư luận TP Hải Phòng những ngày này đang hết sức nóng bỏng vì phiên tòa phúc thẩm vụ “ăn” đất ở Quán Nam sắp diễn ra. Nóng bỏng vì có đến ngót 1.000 lô đất công được chia chác trái phép cho ít nhất 420 cán bộ các ngành của TP, bất chấp nhiều đối tượng chính sách xã hội đang thiếu chỗ ở, bất chấp việc nhiều cán bộ được đất đã có nhà cao cửa rộng. Trước đó, vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn (cũng ở Hải Phòng) đã gây phẫn nộ trong dư luận. Cả nước quan tâm chỉ vì sự chia chác đặc quyền, đặc lợi này diễn ra công khai, bằng giấy trắng mực đen và văn bản nghị quyết... Trong những vụ này, quyền lợi chính đáng của người dân đã bị một số cán bộ công quyền bỏ qua.
Tháng 9-1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường Đảng và ghi vào cuốn Sổ vàng nhà trường. Ảnh: Tuổi Trẻ
Còn nhớ khi điều hành nhà nước cách mạng non trẻ, Bác đã rất quan tâm giáo dục cán bộ về chuyện này. Cuối năm 1954, Chính phủ có chủ trương thu hồi tiền của cách mạng phát hành trước đây để đổi lại cho nhân dân tiền Đông Dương ngân hàng. Tháng 2-1955, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh từ miền Nam ra gặp Bác báo cáo kết quả, trong đó có chuyện (so với số tiền đã phát hành thì) thu về còn thiếu khoảng 600 ngàn đồng. Bác nghiêm giọng: “Vậy là chú đã “quỵt” của bà con Nam bộ 600 ngàn đồng. Chú đã phạm đến quyền lợi của nhân dân”. Luật sư vội giải thích: Đồng bào Nam bộ không chịu đổi lại vì trên giấy bạc Việt Nam có in ảnh Bác. Bà con giữ lại để biểu thị quyết tâm theo Bác đến cùng”.
Nghe vậy, Bác rất xúc động nhưng vẫn dặn dò: “Mỗi việc làm của các chú, bất cứ việc gì đều phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân chứ không được hứa suông. Bất luận việc gì đã hứa với dân là phải tìm cách làm cho được, không làm được phải xin lỗi dân. Chính quyền ta của dân, vì dân thì phải như vậy”.