ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẠC LIÊU
***
Số: 82-HD/ĐTN
|
Bạc Liêu, ngày 20 tháng 4 năm 2012
|
HƯỚNG DẪN
Thành lập và tổ chức hoạt động của đội thanh niên tình nguyện
phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT ngày 24 tháng 6 năm 2010 giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Công an về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên” giai đoạn 2010 – 2015”.
Căn cứ Hướng dẫn số: 02/TWĐTN, ngày 16/9/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc thành lập và tổ chức hoạt động của đội thanh niên tình nguyện phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bạc Liêu xây dựng hướng dẫn với những nội dung sau:
I/- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1/- Phát huy thế mạnh của Đoàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên đang cư trú, sinh sống trên địa bàn dân cư, xây dựng mô hình thanh niên tình nguyện, xung kích tham gia phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội đến mỗi cơ sở Đoàn.
2/- Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tiếp cận với đông đảo các đối tượng thanh thiếu niên đang cư trú, sinh sống trên địa bàn, theo đó cần tập trung đi vào chiều sâu, tiếp cận theo nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt công tác kèm cặp, cảm hóa, giáo dục giúp đỡ thanh niên lầm lỡ tiến bộ hòa nhập cộng đồng.
3/- Cần thực hiện đồng bộ, tạo môi trường lành mạnh, nhiều sân chơi phù hợp, hấp dẫn thu hút đông đảo thanh thiếu niên trên địa bàn tham gia sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội.
II/- HÌNH THỨC TỔ CHỨC:
1/- Tên gọi: Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”
2/- Mô hình tổ chức:
- Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” được thành lập tại cấp xã, phường, thị trấn.
- Mỗi đội có tối thiểu 07 đồng chí (trong đó có 01 đội trưởng, 02 đội phó).
- Đối tượng giúp đỡ: Thanh niên đặc biệt (gồm các đối tượng sau: là thanh niên sau cai nghiện đang cư trú trên địa bàn (A1), thanh niên hoàn lương (A2), thanh niên chậm tiến có nguy cơ cao (A3), đối tượng khác (A4)
Ví dụ: Thanh niên bị nhiễm HIV, thanh niên tham gia đua xe…
- Những địa phương, đơn vị đã có mô hình Thanh niên tình nguyện phòng, chống tệ nạn xã hội thì nên rà soát, kiện toàn và thực hiện đầy đủ thủ tục thành lập theo hướng dẫn này.
3/- Điều kiện hoạt động:
- Đoàn thanh niên các xã, phường, thị trấn nên xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy, mại dâm cùng cấp chịu trách nhiệm tham gia thành lập, xây dựng và tổ chức hoạt động của đội, nên cử ít nhất 01 đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn tham gia trực tiếp giám sát phụ trách đội.
- Mọi hoạt động của đội phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và được sự chỉ đạo định hướng của cấp trên. Chính quyền địa phương nên tạo điều kiện và tranh thủ sự hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, nhân dân.
4/- Quy trình chuẩn bị thành lập đội:
- Ban Chấp hành Đoàn xã, phường, thị trấn nên vận động đoàn viên, thanh niên đủ tiêu chuẩn để tham gia đội. Chú ý khi tổ chức cơ cấu các đội viên phải đều khắp trên địa bàn cụm dân cư, làng xóm để các đội viên có điều kiện nắm bắt được tốt các đối tượng cần quản lý.
- Cần tập hợp các mô hình đội, nhóm, CLB đang hoạt động trên địa bàn phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” để đạt hiệu quả cao.
- Trên địa bàn hoạt động của Đội thanh niên tình nguyện sẽ phối hợp làm việc với Công an xã, phường, thị trấn đề nghị phân công 01 đồng chí tham gia đội (nên lựa chọn cán bộ trẻ).
5/- Thủ tục thành lập:
- Tổng hợp danh sách lý lịch trích ngang của các thành viên trong đội (có biểu mẫu kèm theo).
- Xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch chi tiết của đội trong từng tháng.
- Biên bản đăng ký đối tượng giúp đỡ (có mẫu kèm theo).
- Văn bản xin ý kiến cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại địa phương.
- Tổng hợp danh sách hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên đặc biệt.
- Đoàn xã, phường, thị trấn là cấp ra Quyết định thành lập Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” của cơ sở mình.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
1/- Các giai đoạn tiến hành:
- Giai đoạn 1: Phối hợp với Công an, các ban ngành đoàn thể tổ chức, khảo sát đối tượng để nắm bắt tình hình đối tượng (hoàn cảnh gia đình, tiểu sử bản thân, đối tượng là thanh niên…) nghiên cứu tính khả thi trước khi đảm nhận kèm cặp, giúp đỡ.
- Giai đoạn 2: Phân công đội viên tiếp cận, động viên, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đối tượng.
- Giai đoạn 3: Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh thu hút các đối tượng giúp họ xóa đi mặc cảm, hòa nhập vào cộng đồng.
- Giai đoạn 4: Vận động các Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đóng trên địa bàn thu nhận những đối tượng cai nghiện, hoàn lương thành công vào làm việc, tạo điều kiện cho họ học nghề, vay vốn phát triển sản xuất.
2/- Chỉ tiêu thực hiện:
- Đoàn thanh niên các xã, phường, thị trấn thành lập tối thiểu 01 đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”.
- Mỗi đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” giúp đỡ từ 01 đến 02 đối tượng tiến bộ trong vòng 01 năm (đối tượng sau cai nghiện không tái nghiện, thanh niên hoàn lương tiến bộ…)
IV/- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1/- Cấp tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành Đoàn và các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả.
- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình đội ở cộng đồng phát huy có hiệu quả; Tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ trong công tác cẩm hóa, giáo dục đối tượng.
2/- Cấp Huyện, Thành Đoàn:
- Căn cứ Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch chỉ đạo phù hợp với địa phương, đơn vị mình triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Phấn đấu 100% Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn xây dựng được mô hình đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”.
- Các cấp bộ Đoàn quan tâm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo hàng tháng tình hình đối tượng theo mẫu quy định gởi về Tỉnh Đoàn.
- Vận động các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống trên địa bàn tham gia hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng tiến bộ.
3/- Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn:
-Xây dựng kế hoạch hoạt động, báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo tại địa phương để tổ chức thực hiện.
- Phân công cụ thể công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thanh niên tình nguyện thực hiện.
- Lựa chon lực lượng nòng cốt của Đội là các thành viên đại diện tham gia Ban chỉ đạo tại cơ sở để tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ.
- Tổ chức hội nghị đảm nhận đối tượng với sự tham gia của đại diện Ban chỉ đạo cấp cơ sở, đối tượng, gia đình đối tượng, Đoàn cơ sở và Đội thanh niên tình nguyện.
Trên đây là Hướng dẫn Thành lập và tổ chức hoạt động của đội thanh niên tình nguyên phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đề nghị các huyện, thành Đoàn phối hợp chỉ đạo hướng dẫn triển khai ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ban thường vụ Tỉnh Đoàn (Qua Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn, điện thoại 0781.3 501.896).
Nơi nhận:
- BTG TW Đoàn;
- BDV, BTG Tỉnh uỷ;
- BTV Tỉnh Đoàn;
- Các Ban Tỉnh Đoàn;
- Các huyện, Thành đoàn;
- BBT Website Tỉnh Đoàn;
- Lưu VP, BTG.
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN
PHÓ BÍ THƯ
Đã ký
Phạm Thành Phước
|
|
|