Lá cờ là phần thưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bộ đội vận tải năm 1968. Lá cờ màu đỏ, hình chữ nhật, trên cờ có ngôi sao và thêu 12 chữ màu vàng “yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, hiện nay được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 thành lập Công chính giao thông Cục, tiền thân của ngành Vận tải Quân sự hiện nay. Ngày 18/6/1949, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới, bộ đội ta đã trưởng thành, nhu cầu bảo đảm vật chất của các lực lượng vũ trang ngày lớn, việc tiếp tế cho Quân đội do các đơn vị tự đảm nhiệm không đủ sức đáp ứng yêu cầu, vì vậy đòi hỏi phải có một tổ chức chuyên trách làm công tác vận tải quân sự.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 50/SL về tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh. Sắc lệnh quy định việc thành lập Cục Vận tải, là 1 trong 12 Cục thuộc Bộ Quốc phòng. Cục Vận tải “có nhiệm vụ tổ chức việc vận tải trong Quân đội về mọi mặt” và từ đó ngày 18/6/1949 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội vận tải.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội vận tải luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng lực lượng, trong bất kể tình huống khó khăn nào cũng đưa hàng tới đích, chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giao thông vận tải trở thành mặt trận quyết liệt. Bác thường xuyên theo dõi hoạt động của bộ đội và nhân dân ta trên các tuyến đường. Bác gửi tặng bộ đội vận tải những lẵng hoa xuân tươi thắm và khen thưởng các chiến sỹ lập thành tích xuất sắc huy hiệu của Người. Tháng 8/1968, Tổng cục Hậu cần tổ chức hội nghị chiến sĩ lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự hội nghị. Đồng chí vui mừng báo tin: Bác Hồ rất vui vì nhiều chiến sỹ lái xe và thợ sửa chữa xe đã lập được thành tích xuất sắc. Bác Hồ đã tặng cờ thưởng cho ngành xe quân sự, trên lá cờ thêu dòng chữ: “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Sự quan tâm động viên của Bác đối với bộ đội vận tải từ những năm kháng chiến chống Mỹ là nguồn cổ vũ rất lớn, nhất là trong những năm tháng khó khăn này. Mười sáu chữ Người khen đã khái quát rất cô đọng và sâu sắc truyền thống vẻ vang của bộ đội vận tải. Lời Bác động viên cũng là chỉ thị, là nhiệm vụ giao cho bộ đội vận tải.
Lời dạy của Người đã trở thành phương châm hành động của những người làm công tác vận tải quân sự qua các thời kỳ. Đó là nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp cán bộ chiến sỹ vận tải vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh, vừa phục vụ đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu của mặt trận, vừa xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh. Lực lượng vận tải đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hàng nghìn tấm gương anh dũng hy sinh làm nhiệm vụ vận chuyển hoặc cứu xe, cứu hàng trong chiến đấu. Trong thời bình, bộ đội vận tải tiếp tục lao động quên mình vì những chiếc xe, con tàu… tô thắm thêm truyền thống “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Hơn 60 năm là một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vinh quang và tự hào của bộ đội vận tải anh hùng. Phát huy truyền thống vẻ vang ngày nay các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ngành Vận tải quân đội anh hùng không ngừng tiếp bước cha anh, lập nên những chiến công mới trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều đơn vị thuộc ngành Vận tải quân đội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý.
Lá cờ đã trở thành kỷ vật vô giá đối với ngành Vận tải quân sự nói riêng và người làm công tác hậu cần nói chung, thật sự gây xúc động đối với các thế hệ cán bộ chiến sỹ vận tải mỗi khi đến tham quan và chiêm ngưỡng lá cờ. Những lời dạy của Bác “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” thêu trên lá cờ ngày ấy mãi là phương châm khẩu hiệu hành động của những người lái xe quân đội và của ngành Vận tải quân sự.
Số lượt xem:601
Nguồn: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam – QT (St)