Theo báo cáo, đến nay có 4/68 tỉnh, thành Đoàn đã tổ chức xong Đại hội gồm: Sóc Trăng, Yên Bái, Bến Tre và Đà Nẵng. 4 đơn vị kể trên đều được Ban Bí thư Trung ương Đoàn lựa chọn là đơn vị tổ chức Đại hội điểm. Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo 3 đơn vị là Tỉnh Đoàn Yên Bái, Tỉnh Đoàn Bến Tre và Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.
Kết quả, các đơn vị đều đã tổ chức Đại hội thành công. Ban Chấp hành khóa mới có độ tuổi đều trẻ, tuổi bình quân dưới 31; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh từ 25% trở lên; tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành là người dân tộc thiểu số có cơ cấu hợp lý; chất lượng chuyên môn của nhân sự Ban Chấp hành hầu hết từ cao đẳng, đại học trở lên... Nhân sự được giới thiệu bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội đều trúng cử với số phiếu rất cao là trên 95% (Đà Nẵng đạt 97,6%, Yên Bái đạt 96,2%, Bến Tre đạt 95,4%).
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tp. Đà Nẵng
Trao đổi với phóng viên tại buổi gặp gỡ báo chí, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi cho biết, nét mới của công tác tổ chức Đại hội Đoàn các cấp là cả 4 cấp Đại hội đều được tiến hành trong một năm. Tuy điều này tạo ra áp lực về mặt thời gian để chuẩn bị cho Đại hội song qua đó, đã thấy được sự tập trung dồn sức của không chỉ các cấp bộ Đoàn mà còn thấy được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp.
Nét mới ở Đại hội Đoàn cấp tỉnh, đó là: Nội dung các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo theo đúng hướng dẫn của Ban Bí thư,sát với tình hình thực tế của thanh niên, tính hành động, hiệu triệu cao. Nhiều đoàn viên có ý kiến góp ý thẳng thắn, tập trung chỉ ra những mặt được và hạn chế, chủ động đề xuất phương hướng cho nhiệm kỳ mới sát với yêu cầu, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương và nguyện vọng của thanh niên. Nội dung chỉ đạo của cấp ủy và Trung ương có sự giao thoa lớn, điều đó cho thấy công tác chỉ đạo giữa cấp ủy và Trung ương đang đi cùng một hướng và sẽ là “kim chỉ nam” cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên của địa phương.
Về công tác nhân sự, trên cơ sở Đề án Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, các đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đương nhiệm và hướng dẫn cho Đoàn trực thuộc thảo luận, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới; tổng hợp danh sách giới thiệu báo cáo xin ý kiến của cấp ủy và Đoàn cấp trên. Danh sách nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ được chuẩn bị đều có số dư khi bầu đảm bảo từ 15% trở lên.
Việc có tỷ lệ số dư bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ các đại biểu dự Đại hội mà còn của đông đảo các đoàn viên, thanh niên, được các tầng lớp nhân dân đánh giá cao, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong công tác bầu cử của Đoàn.
Tuy nhiên, đồng chí Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế ở các Đại hội điểm vừa qua. Đó là, dù chương trình Đại hội được cải tiến, thiết kế chặt chẽ, hợp lý, trang trọng và đúng nguyên tắc nhưng còn cứng nhắc, thiếu sự trẻ trung,chưa làm toát lên nét riêng của Đại hội Đoàn; nhiều nội dung vẫn còn dài, nặng về trình bày, có điểm còn chưa sát, chưa thiết thực với thanh niên; đoàn viên vẫn còn thiếu tinh thần tự ứng cử, chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm thủ lĩnh…
Dân chủ qua từng lá phiếu. (Ảnh: Đông Hà)
Tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, thúc đẩy tính sáng tạo của tuổi trẻ
Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn nhấn mạnh: mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần được quán triệt và thể hiện rõ trong từng nội dung của Đại hội Đoàn nói riêng và công tác Đoàn nói chung; phải từng bước dân chủ hóa để thực hiện mục tiêu mà Đảng đề ra.
Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định Đại hội Đoàn là sự kiện để Đoàn tự làm mới mình, tự sửa mình để hoàn thiện hơn, đáp ứng ngày một tốt hơn sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, phù hợp hơn với thế hệ thanh niên thời đại mới.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phân tích thêm, ngay từ đầu Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có sự chỉ đạo để các tham luận trình bày tại Đại hội mang hơi thở của tuổi trẻ, cố gắng không đọc tham luận mà tập trung thảo luận theo các chuyên đề. Bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều có số dư và việc đồng chí Bí thư được các đại biểu dự Đại hội bầu ra (theo quy định từ 200-300 đại biểu) với số phiếu cao rõ ràng khác với người do Ban Chấp hành (từ 35-40 người) bầu ra. Muốn đạt được kết quả đó, đòi hỏi phải thực sự dân chủ ngay từ khâu chuẩn bị.
Mục tiêu lớn nhất của Đại hội Đoàn là tạo môi trường để thanh niên có cơ hội rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, qua đó, thúc đẩy tính sáng tạo của tuổi trẻ, xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có khát vọng, ý chí vươn lên.
Nguồn: www.doanthanhnien.vn