Mục tiêu chung được Đề án đặt ra nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về chủ trương xây dựng NTM; phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia thực hiện các tiêu chí tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước.
|
Thanh niên tình nguyện cùng bà con nhân dân tham gia nạo vét kênh mương nội đồng
|
Mục tiêu đến năm 2020, không có hộ đói do thanh niên làm chủ hộ
Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, 100% tổ chức Đoàn các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; thanh niên nông thôn được tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm; có hoạt động hoặc công trình, phần việc xây dựng NTM hàng năm. Mỗi năm, tổ chức Đoàn hỗ trợ giúp đỡ xây dựng được tối thiểu 01 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm/xã.
Phấn đấu đến năm 2020, không có hộ đói do thanh niên làm chủ hộ và giúp 20.000 hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững. Mỗi năm, các cơ sở Đoàn tham gia sửa chữa, bảo dưỡng được tối thiểu 5.000 km đường giao thông nông thôn; 2.000 km thủy lợi nội đồng; đặc biệt là xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.000 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, 5.000 tổ tiết kiệm tại các xã.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2015, đó là: 100% Đoàn xã tổ chức lực lượng đóng góp ngày công tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; 100% cơ sở Đoàn có hoạt động hoặc công trình, phần việc xây dựng NTM hàng năm. Bảo đảm 100% Đoàn xã có đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường nông thôn; 100% chi Đoàn ở nông thôn đăng ký và đảm nhận "Đoạn đường thanh niên tự quản"; hàng năm, 100% Đoàn xã đạt từ khá trở lên.
Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện
Các giải pháp thực hiện được Đề án tập trung vào, như: về thông tin, tuyên truyền; về tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; về xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn; về tổ chức các Đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng NTM và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn. Trong đó, đẩy mạnh giải pháp về tham gia phát triển kinh tế nông thôn với hoạt động tập huấn chuyển giao KHKT, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, môi trường, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu mới; phối hợp đào tạo, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phối hợp hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ, đội nhóm trợ vốn giúp nhau lập nghiệp và tổ chức các hình thức giúp các hộ gia đình thanh niên vươn lên thoát nghèo, xóa hộ đói do thanh niên làm chủ hộ; …
|
Lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn - Ảnh minh họa: Đông Hà
|
Được biết, kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguồn kinh phí của Trung ương Đoàn, nguồn lồng ghép các chương trình, dự án, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hàng năm bố trí kinh phí nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố cho các tỉnh, thành Đoàn thực hiện Đề án và chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của địa phương phối hợp triển khai thực hiện Đề án.
Thông qua hoạt động tham gia xây dựng NTM, tiếp tục tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn nông thôn; tăng tỷ lệ tập hợp và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thanh thiếu nhi ở nông thôn.
Nguồn: doanthanhnien.vn