Tọa đàm là dịp đánh giá lại những chặng đường đầu tiên của Dự án với những kết quả đã và chưa làm được, những điểm còn hạn chế, thiếu sót, từ đó rút ra những kinh nghiệm nhằm đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn II sắp tới nhắm đến ba mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.
Được biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Dự án, đến nay đã có thêm 49 bạn kết nạp Đảng, 65 bạn được bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới và sau hội nghị sơ kết giai đoạn I, cơ bản 65 bạn đã thông báo là đã được kết nạp.
|
Quang cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến. Nguồn ảnh Chinhphu.vn
|
Tại buổi Tọa đàm, các vị khách mời cùng với 4 trí thức trẻ hiện là các Phó Chủ tịch (PCT) xã : Nguyễn Thái Sơn - PCT xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ; Nguyễn Văn Thiện - PCT xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa; Nguyễn Văn Huân - PCT xã Ngam Lam, huyện Yên Minh, Hà Giang và La Thị Hằng - PCT xã An Bá, huyện Sơn Động, Bắc Giang đã chia sẽ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình bước đầu thực hiện Dự án qua 2 năm thực hiện.
Trong thời gian làm việc tại xã, nhiều PCT xã đã triển khai thực hiện nhiều đề án và đã có những kết quả ban đầu, như Nguyễn Thái Sơn - PCT xã Long Cốc với đề án chăn nuôi và phát triển giống lợn rừng lai được triển khai 10 hộ gia đình trong xã và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao; hay 02 mô hình trồng mía cao sản trên địa hình 15 độ dốc của Nguyễn Văn Thiện - PCT xã Xuân Chinh đã triển khai với kết quả trồng được gần 10ha và cung cấp cho nhà máy đường Lam Sơn. Ngoài ra, Thiện còn xây dựng mô hình nuôi ong mật và đã triển khai tại 3 hộ bước đầu đã cho thu nhập; …
“Qua thời gian công tác tại xã, tôi rút ra kinh nghiệm là triển khai bất cứ nội dung nào cũng cần có sức mạnh của quần chúng, khi về công tác tại xã mình phải làm gương cho mọi người, là người tiên phong thì mới làm tốt nhiệm vụ được giao” - PCT xã Long Cốc Nguyễn Thái Sơn chia sẻ.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các PCT xã, cán bộ quản lí các tỉnh có Dự án đã nêu những đề xuất, kiến nghị với Ban Quản lý Dự án nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn giúp các trí thức trẻ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn II sắp tới. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các đề án do chính các PCT xã đề xuất tại xã.
|
Các đội viên Dự án 600 của tỉnh Bắc Kạn. ảnh Đông Hà
|
Trong giai đoạn 2 sắp tới theo đồng chí Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, với thành công bước đầu của Dự án, Thủ tướng cho phép nhân rộng mô hình, tạo nguồn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm PCT xã tại các xã thuộc địa bàn khó khăn, không nhất thiết nằm trong diện nghèo.
“Đã có 3 tỉnh đang triển khai thực hiện, đó là: Tỉnh Lâm Đồng nhân rộng mô hình với 40 đội viên, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Vụ công tác thanh niên đang thẩm định các đề án để trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay đã nhận được rất nhiều đề án của các địa phương. Trên mô hình này thì mỗi xã vùng sâu vùng xa, các xã biên giới không thuộc diện nghèo nhưng thuộc diện khó khăn được vận dụng mô hình để đưa tri thức trẻ có trình độ đại học ưu tú về xã làm PCT và thông qua đó để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ cho tỉnh” - đồng chí Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Qua buổi Tọa đàm lần này, các trí thức trẻ tham gia vào Dự án nói riêng và các tri thức tương lai sẽ đều có chungmột suy nghĩ là cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và sự mong đợi của nhân dân.
Nguồn: doanthanhnien.vn