ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẠC LIÊU
***
Số: 45-BC/ĐTN
|
Bạc Liêu, ngày 26 tháng 02 năm 2013
|
BÁO CÁO
Về việc tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
------
Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/TU, ngày 16/01/2013 của Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992; Kế hoạch số 10 KH/TWĐTN, ngày 11/01/2013 của Ban Bí thư TW Đoàn về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Qua tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bạc Liêu báo cáo kết quả lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:
I. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN
- Công tác tổ chức lấy ý kiến:
Trên tinh thần thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo và của Ban Bí thư TW Đoàn, BTV Tỉnh Đoàn đã xây dựng kế hoạch số 24 KH/ĐTN triển khai và chỉ đạo cơ sở Đoàn trực thuộc, đồng thời tổ chức Hội nghị tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ Đoàn và chỉ đạo cho cơ sở Đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cấp bộ Đoàn và tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, BTV Tỉnh Đoàn cũng đã chỉ đạo cho các cấp bộ Đoàn tích cực nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp để có ý kiến đóng góp, bổ sung cho hoàn thiện.
- Hình thức tổ chức lấy ý kiến:
Việc lấy ý kiến thông qua buổi Hội nghị cấp tỉnh và tổng họp ý kiến của các đơn vị Đoàn trực thuộc báo cáo.
- Các đối tượng được lấy ý kiến: là những cán bộ Đoàn các cấp và đoàn viên thanh niên sinh sống, học tập, lao động trên địa bàn tỉnh.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ DỰ THẢO HIẾN PHÁP
Nhìn chung, về kết cấu, bố cục, thể thức văn bản tương đối chặt chẽ, đánh giá được hết các nội dung của Hiến pháp, cụ thể như sau:
- Lời nói đầu, được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và sút tích hơn về truyền thống, lịch sử của đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới; mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện được ý chí chủ quyền của nhân dân trong ban hành và sửa đổi hiến pháp.
- Về chế độ chính trị, Dự thảo làm rõ, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, bổ sung và thực hiện nguyên tắc “ quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
- Dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đảm bảo thực hiện quyền công dân, bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các đều ước quốc tế về con người mà nước ta là thành viên.
- Về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng, làm rõ hơn tính chất mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hứu và quyền tự do kinh doanh…. .
- Đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, Dự thảo đã khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với Quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
- Đối với các cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,… Dự thảo đã làm rõ và thể hiện đầy đủ hơn, sát hơn với tình hình thực tế của đất nước.
III. Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Qua gần một tháng triển khai tiếp thu và tổng họp các ý kiến của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đóng góp về Dự thảo sửa đổi hiến pháp, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn tổng hợp cụ thể như sau:
1. Về phần lời nói đầu của Dự thảo Hiến pháp:
- “ Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.
- Có 23 ý kiến cho rằng: sử dụng cụm từ: “trải qua mấy nghìn năm lịch sử ” là chưa thể hiện được hết chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đóng góp: “ Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.
2. Phần chế độ chính trị:
- Tại Điều 1:
+ “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập.....”
Đóng góp: nên chuyển đổi giữa hai từ “dân chủ” và “độc lập” “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.....”
Lý giải: nghĩa là đưa từ độc lập ra trước dân chủ để nhằm khẳng định nền độc lập là điều kiện tiên quyết sau đó mới đến dân chủ.
- Tại chương I, Điều 2 có 13 ý kiến đóng góp
+ “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Đóng góp: Để thực hiện tốt hơn nội dung này nên bổ sung thêm: “Thành lập tòa án hiến pháp để bảo đảm kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Cơ sở đóng góp: Ở nước ta hiện nay, chế độ tài phán hiến pháp - hiểu theo nghĩa đen của nó - vẫn chưa được thiết lập. Hiện tại, cơ chế giám sát tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở nước ta nếu xét trên bình diện giám sát Hiến pháp (chỉ tập trung vào việc phán xét việc tuân thủ Hiến pháp) thì có quá nhiều bất cập, thể hiện qua các mặt sau:
Một là, cơ chế giám sát qua nhiều chủ thể và nhiều tầng nấc làm hạn chế và lu mờ vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, đồng thời làm hạn chế, giảm đi tính tối cao, tính hiệu lực của hoạt động đó. Hai là, chưa phân biệt giám sát Hiến pháp với các loại giám sát khác, dẫn đến việc giám sát đối với bản thân Quốc hội còn bỏ ngỏ. Ba là, chưa có một cơ chế phán quyết hữu hiệu về các hành vi vi phạm hiến pháp có thể xuất hiện trong lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như về những xung đột có thể có giữa các nhánh quyền lực này, đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực. Như vậy, vẫn còn một mảng quyền lực tư pháp bị bỏ ngỏ.
Vì lẽ đó, Đại hội Đảng lần thứ X đã quyết nghị: "Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền", "Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp". Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.
Thiết chế bảo vệ Hiến pháp cần ghi trong Hiến pháp
Hiến pháp là văn bản phân công quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Vì thế, thiết chế bảo vệ Hiến pháp (tài phán hiến pháp) cũng cần phải được ghi nhận trong Hiến pháp.
- Điều 3, chương I
+ “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”
Đóng góp: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Nghiêm trị mọi hành động xâm phạm đến lợi ích của tổ quốc và của nhân dân”
- Tại chương I, Điều 4, khoản 1 của Hiến pháp:
+ Có 30 ý kiến đóng góp và cho rằng Đảng ra đời không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là của cả nhân dân lao động, do vậy việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ làm nền tảng cho tư tưởng mà phải cả hành động “ Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Đóng góp:“ Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
+ Có 15 ý kiến đóng góp “ Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội
Đóng góp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội
- Tại Chương I, Điều 5, khoản 4:
+ Có 24 ý kiến cho rằng nội dung của khoản 4 Điều này chưa thể hiện được sự bình đẳng giữa các dân tộc và có sự phân biệt giữa các dân tộc; Đồng thời chưa nói lên được trách nhiệm và quyền lợi của các dân tộc trên đất nước Việt Nam cần bổ sung cụ thể “ Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”. . Đề nghị bổ sung: “ Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.
- Điều 7, chương I
+ Có 05 ý kiến cho rằng cần bổ sung các từ sau để làm rỏ thêm nội dung của Điều này “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”
Đóng góp: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân”.
- Tại Chương I, Điều 8, khoản 3:
+ Có 50 ý kiến cho rằng nội dung của khoản này chưa thật sự chặt chẽ, vì hiện nay có rất nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. . cần bổ sung: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”.
- Tại Chương I, Điều 13, khoản 2:
+ có 03 ý kiến cho rằng nên xem lại từ ngữ và sử dụng từ nào thì phù hợp hơn “ Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nữa bánh xe răn và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. “chung ” và “ xung ”.
2. Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Điều 16, chương II, khoản 1
+ Có 07 ý kiến đóng góp “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”.
Đóng góp: “Mọi người phải tôn trọng quyền hợp pháp của người khác.”
- Chương II, Điều 21:
+ “ Mọi người có quyền sống ”. Có một số ý kiến cho rằng mọi người có quyền sống thì đồng nghĩa với việc bỏ án tử hình. Vậy có nên chăng để hay bỏ Điều 21 vì có một số Điều của Chương này đã thể hiện đầy đủ quyền của mọi công dân.
- Chương II, Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 37)
+ “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Đóng góp “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.
- Tại Điều 24, Chương II:
+ Có 30 ý kiến cho rằng nội dung của Điều này chưa thể hiện được đầy đủ và chưa mang tính chặt chẽ “ Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. .
Đóng góp: “ Công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước Việt Nam theo quy định của pháp luật”.
- Tại chương II, Điều 34 (Sửa đổi bổ điều 58)
+ “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”; có 34 ý kiến cho rằng quy định tại Điều này chưa rỏ, nên đóng góp “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
- Chương II, Điều 45
+ “Công dân có quyền xác định dân tộc mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”
Đóng góp: Công dân có quyền xác định dân tộc mình, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
3. Kinh tế, xã hội, văn hóa,giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
- Điều 65, chương III
+ “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
Đóng góp: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, phải đi trước và được đầu tư trước”.
Cơ sở đóng góp:
Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, phải đi trước và được đầu tư trước đã được khẳng định trong phương hướng chủ yếu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 tại hội nghị lần thứ sáu, ban chấp hành trung ương khóa XI “Quán triệt đầy đủ và thể hiện bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phải đi trước và được đầu tư trước”; nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012, hội nghị lần thứ sáu, ban chấp hành trung ương khóa XI, tại phần định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu quan điểm “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”
Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu đã được đề cập trong nhiều văn bản, trong đó có hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, đến nay, giáo dục và đào tạo ở nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển (kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 tại hội nghị lần thứ sáu, ban chấp hành trung ương khóa XI). Vì vậy thêm một vế phía sau để thấy rõ hơn về vai trò, nhận thức sâu sắc hơn, có hành động quyết liệt hơn để giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ ở nước ta thực sự là quốc sách hàng đầu.
4. Chính quyền địa phương
- Tại Điều 119, chương IX (sửa đổi bổ sung Điều 125)
+ Có 56 ý kiến cho rằng nội dung của Điều này cần bổ sung thêm từ cho phù hợp cụ thể: “Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan”.
Đóng góp: “Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự tất cả các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan”.
Riêng các chương còn lại: Chương IV; V; VI; VII; VIII; X; XI không có ý kiến đóng góp gì thêm, thống nhất 100% theo Dự thao hiến pháp 1992.
Trên đây là báo cáo của Ban thường vụ tỉnh Đoàn về tổng họp, lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đoàn;
- TT Tỉnh uỷ;
- BTG TW Đoàn;
- VP TW Hội LHTNVN;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Ban Dân vận Tỉnh uỷ;
- UB MTTQ VN tỉnh Bạc Liêu;
- Văn phòng Đại biểu QH tỉnh;
- Lưu VP, đ/c Loan.
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Phạm Thành Phước
|