NỖI LO BỊ XÂM NHẬP MẶN DO thiếu nước
Những ngày qua, nắng gắt kéo dài nên nhiều dòng sông, kênh, rạch, ở vùng Bắc Quốc lộ 1A đã bị cạn nguồn nước ngọt; nhiều kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng dẫn nước phục vụ nông nghiệp cũng gần như khô cạn. Mùa khô gay gắt nhất thì cũng là lúc 50.000ha lúa đông xuân ở các huyện Hòa Bình, Phước Long, Vĩnh Lợi và một phần huyện Hồng Dân bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông. Từ đó, lúa đông xuân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.
|
Nông dân xã Vĩnh Phú Đông phải đặt máy bơm chuyền vì nước trên kênh nội đồng thấp hơn mặt ruộng. Ảnh: P.Đ
|
Ông Trương Quốc Văn, nông dân ở thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) nói: “Mực nước trên các sông năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ vụ lúa đông xuân năm trước. Hiện, nhiều kênh thủy lợi cạn nước. Lúa thì rất tốt nhưng không biết có đủ nước hay không. Nếu nước đủ như những năm trước thì nông dân sẽ bội thu”. Vụ lúa đông xuân là vụ trúng nhất trong năm, năng suất có thể đạt từ 50 - 60 giạ/công. Vì vậy, những ngày qua, bà con đã chủ động bơm nước vào ruộng để đảm bảo năng suất.
Nước cạn, nhiều nông dân có ruộng tiếp giáp với các kênh thủy nông nội đồng chọn giải pháp đắp đập, bơm chuyền. Các đầu kênh được đắp chặn lại rồi bà con tập trung máy móc lại bơm nước vào.
Anh Trương Thành Của (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) cho biết: “Vụ lúa đông xuân này, tôi làm được 23 công. Những ngày qua, vì ruộng nằm sâu bên trong nên tôi phải đặt máy bơm chuyền nước từ đầu kênh thủy lợi vào. Nước cạn, nên việc bơm chuyền là cách hay nhất để đảm bảo cho lúa đủ nước. Với giá xăng dầu như hiện nay, chi phí bơm nước trong vụ đông xuân sẽ tăng từ 250.000 - 300.000 đồng/công”. Chi phí tăng sẽ làm cho vụ lúa này giảm lợi nhuận.
Ngoài nỗi lo thiếu nước, nông dân còn sợ tình trạng xâm nhập mặn. Bởi, giai đoạn cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, ở vùng chuyển đổi, độ mặn cao từ 15 - 20%o. Thời điểm nói trên ít mưa, trong khi lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về rất ít.
Chủ động ĐIỀU TIẾT NƯỚC cứu lúa
Trước nguy cơ thiếu nước vụ lúa đông xuân, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn nước cho nông dân canh tác. Đó là điều chỉnh lịch vận hành các cống đầu mối, đặc biệt là các cống phục vụ vùng sản xuất lúa ổn định, tiến hành ngăn mặn giữ ngọt từ cống Láng Tròn (huyện Giá Rai) đến Đông Nàng Rền (huyện Vĩnh Lợi) và hệ thống cống đập phân ranh mặn - ngọt ở các huyện. Xổ nước ở các cống lớn vùng mặn Giá Rai, Hộ Phòng để hạ thấp đầu nước mặn, hạn chế nước mặn lấn sâu trên ranh giới 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa…
Song song với chủ động ngăn mặn, giữ ngọt bằng việc điều chỉnh hệ thống các cống đầu mối, Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh cũng khuyến khích nông dân cần chủ động bơm nước khi có điều kiện để đảm bảo năng suất lúa. Đồng thời nông dân cần theo dõi lịch điều tiết nước của ngành Nông nghiệp để có điều kiện lấy nước tốt nhất và tránh nguồn nước bất lợi phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khuyến cáo: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp điều tiết nước giúp nông dân sản xuất vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, do nắng nóng có thể kéo dài và nguy cơ thiếu nước xảy ra vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2014, vì vậy, nông dân cần nắm rõ lịch điều tiết nước để bơm nước. Ngoài ra, bà con cần củng cố bờ bao, bơm trữ nước ngọt, tăng cường nạo vét các kênh thủy nông nội đồng để dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng”.
|