Báo cáo: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẠC LIÊU Bạc Liêu, ngày 03 tháng 6 năm 2013
***
Số: 67-BC/ĐTN
BÁO CÁO
Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)
về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
--------------
Căn cứ Công văn số 481-CV/BDVTU ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Ban Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu; Công văn số 395/SNN-KH ngày 06 tháng 5 năm 2013 về việc yêu cầu Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bạc Liêu báo cáo kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cụ thể như sau:
I/- TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT:
- Ngay sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức học tập quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động của các cấp bộ Đoàn đã được cụ thể hóa, tập trung vào những nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định nhằm phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Đoàn và vai trò chủ thể của ĐVTN và quần chúng nhân dân trong phát triển nông nghiệp, tập trung tuyên truyền, phổ biến các về các chủ trương, chính sách và cách tiến hành xây dựng nông thôn mới đến ĐVTN và các tầng lớp nhân nhân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho ĐVTN và nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.
- Các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ phong trào thi đua trong cán bộ, ĐVTN và quần chúng nhân dân thực hiện Nghị quyết. Quá trình tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của ĐVTN đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết quả: các huyện, thành Đoàn xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến 100% cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên.
- Các cấp bộ Đoàn đã triển khai phong trào thi đua: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đến tận các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh. Đến nay, đã có 7/7 huyện, thành Đoàn và 100% cơ sở Đoàn đã phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn đang triển khai thực hiện Đề án thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các cấp bộ Đoàn đã tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới sâu rộng đến tận các xóm, ấp trong tỉnh và được người dân nông thôn tự nguyện, chủ động tích cực hưởng ứng tham gia: Chính sách về phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã phát huy hiệu quả rõ rệt với diện tích lúa chất lượng cao sản xuất hàng năm đều tăng, cánh đồng mẫu lớn với quy mô hàng trăm héc ta đã được nhân rộng trên toàn tỉnh góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân.
II/- KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT:
1/- Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn:
- Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Đoàn Thanh niên trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của ĐVTN và quần chúng nhân dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
- Nhận thức đúng đắn định hướng quan trọng trên, hơn 5 năm qua, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp Đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của Đoàn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN, nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trọng tâm là phong trào Thanh niên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Qua đó, đã vận động thanh niên tích cực chủ động việc làm, lập nghiệp và hỗ trợ hội viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, cuộc vận động này đã góp phần xây dựng một lớp thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, thích nghi với điều kiện mới, có tư duy và tầm nhìn, chủ động sáng tạo vượt qua khó khăn, có tinh thần hợp tác làm ăn có hiệu quả như duy trì phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào “Tiết kiệm tích luỹ” đã thu hút 21.800 tập thể và trên 80 ngàn cá nhân đăng ký thực hiện. Những mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình trong thanh niên ngày càng rõ hơn như: nuôi tôm, cua, cá, buôn bán nhỏ… đặc biệt là giúp nhau ngày công lao động và loại hình hùn vốn giúp nhau để tạo mô hình trong sản xuất chăn nuôi đến nay có 200 chi hội xây dựng quỹ hùn vốn với số tiền trên 500 triệu đồng, đã giúp được 856 đoàn viên, hội viên, thanh niên thoát nghèo. Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đề nghị Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng cho 13 ĐVTN.
2/- Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới:
- Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các cấp, các ngành tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nông thôn, đến nay cơ bản đủ năng lực phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh. Phong trào kiên cố hóa kênh mương kết hợp với giao thông nông thôn phát triển rộng khắp và đạt kết quả tốt.
- Với “Chương trình Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp bộ Đoàn đã triển khai cuộc vận động theo sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn với 6 nội dung cơ bản. Trong đó, xác định nhiệm vụ của tuổi trẻ là “chung tay” cùng với cộng đồng và các ngành các cấp. Công tác thông tin tuyên truyền về nông thôn mới được chú trọng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết số 26 BCH Trung ương Đảng khóa X, Kết luận 32 của Bộ Chính trị, Thông báo số 238 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được 30 cuộc có 1.500 cán bộ, ĐVTN và nhân dân cùng tham gia. Tham gia xây dựng hạ tầng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn: tranh thủ Trung ương hỗ trợ 02 mô hình phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, làm lộ giao thông nông thôn, xây dựng nhà nhân ái, trang bị máy vi tính cho xã Đoàn và các khu thiết chế văn hóa các ấp, tặng tủ sách pháp luật, tặng quà cho học sinh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, thu gom rác, vệ sinh môi trường… cho xã Vĩnh Thanh – đơn vị chỉ đạo điểm, với tổng trị giá gần 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn còn thực hiện công trình lộ đất đen dài gần 17.000m; phát quang gần 80km đường, sửa 35 cây cầu địa phương, đắp nâng cấp 18 móng cầu nông thôn và tổ chức chuyến về nguồn làm công tác xã hội tại các xã nông thôn mới với tổng trị giá gần 02 tỷ đồng. Các nội dung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng tổ chức Đoàn – Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở nông thôn luôn được các cấp bộ Đoàn chú trọng tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả…
- Công tác phòng chống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu cũng được quan tâm thiết thực. Hàng năm, các cấp bộ Đoàn đều xây dựng kế hoạch liên tịch phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Hội thi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu; phối hợp tổ chức 14 lớp tập huấn những kiến thức phòng chống lụt bão, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ Đoàn, thành lập cho các xã ven biển mỗi đơn vị 01 đội. Mỗi huyện, thành phố, mỗi đơn vị 01 đội thanh niên tình nguyện phòng chống lụt bão với 2.430 thành viên.
3/- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn:
Các cấp bộ Đoàn luôn đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn: Vận động cán bộ, ĐV-TTN và quần chúng nhân dân có nếp sống văn minh, đoàn kết; chấp hành tốt pháp luật Nhà nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, các phong tục truyền thống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội; biết bảo vệ và tu dưỡng các khu di tích, công trình văn hóa địa phương…
Tổ chức cho đoàn viên, TTN tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, tham gia các hoạt động lễ hội lành mạnh; tham gia tu sửa, làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hoá của địa phương; vận động thanh niên nông thôn đi đầu bài trừ các hủ tục lạc hậu, gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang, qua đó có 17/17 đơn vị trực thuộc Tỉnh Đoàn đăng ký đảm nhận chăm sóc và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa….
Vận động Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương đầu tư trang bị 15 dàn máy vi tính nối mạng internet và 3 tủ sách pháp luật phục vụ cho các khu thiết chế văn hóa các ấp của xã Vĩnh Thanh, 02 tủ sách thiếu nhi dành cho 02 trường tiểu học tại xã Vĩnh Thanh.
Hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội được các cấp bộ Đoàn triển khai, mang lai hiệu quả thiết thực, hướng về cơ sở, nhất là lĩnh vực, địa bàn khó khăn, xã nghèo, vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt, là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, két quả đã sửa chữa và xây mới 314 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho gia đình chính, hộ thanh niên nghèo với tổng trị giá 3.296 tỷ đồng.
4/- Về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn:
Được sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn, BTV Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Đoàn cơ sở xã Vĩnh Thanh – xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tham mưu xây dựng 02 mô hình phát triển kinh tế - xã hội là mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao tại ấp Vĩnh Đông, và 01 Tổ hợp tác Bảo vệ môi trường tại xã Vĩnh Thanh với số tiền hỗ trợ là 300 triệu đồng. Mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao đang đi vào thực hiện và đã hình thành được tổ hợp tác gồm 25 hộ với diện tích thực hiện mô hình là 21ha. Để trang bị cho các thành viên nắm được kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu tổ chức lớp tập huấn quy trình sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện tại Trung ương Đoàn đang tiếp tục triển khai mô hình nước sạch VSMT với số tiền là 60 triệu đồng và đầu tư xây dựng 01 mô hình tổ hợp tác trị giá 100 triệu đồng.
BTV Tỉnh Đoàn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh mở hơn 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút gần 700 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; đặc biệt là lớp dạy nghề chăn nuôi Heo nái nạc cho các hộ ĐVTN nghèo là xã viên của 02 Hợp tác xã 19/5 và Hợp tác xã Đông Bình, học viên sẽ được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100% chi phí con giống, đồng thời trong thời gian nuôi sẽ có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi hướng dẫn.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, chỉ đạo mỗi xã xây dựng một mô hình kinh tế điểm để đánh giá rút kinh nghiệm. Đến nay có 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên trên các lĩnh vực được thành lập như: tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, nuôi cá bống tượng, mô hình nuôi cá sấu, tổ hợp tác đan lưới, bốc vác, vệ sinh môi trường…với hơn 200 thành viên tham gia.
Tiếp tục phát động phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trong ĐV-HV-TN thực hiện tốt phong trào “4 mới”, phong trào “Sáng kiến trẻ”, giới thiệu nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, làm ăn có hiệu quả, đăng ký thực hiện các mô hình sản xuất như: trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nghề truyền thống… Xem đây là một trong những nội dung quan trọng vừa tạo việc làm cho ĐVTN, góp phần giảm nghèo trong thanh niên nông thôn.
5/- Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn:
- Nhằm không ngừng nâng cao kiến thức hiểu biết về những tiến bộ KHKT, công nghệ mới để ĐVTN và quần chúng nhân dân có điều kiện ứng dụng vào sản xuất, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như: Trung tâm khuyến nông, Phòng nông nghiệp và PTNT, các Trạm BVTV, Chăn nuôi thú y,... mở 1.060 lớp tập huấn chăn nuôi khuyến nông, khuyến ngư cho 25.570 ĐVTN và nhân dân tham dự học, qua đó đã thành lập 143 CLB, đội TNTN kỹ thuật viên có 1.518 thành viên tham gia.
- Duy trì và phát huy có hiệu có hiệu quả các đội hình thanh niên tình nguyện ánh sáng văn hóa hè; Tiếp tục phối họp thực hiện Dự án “Thí điểm phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn” cho 18 Bưu điện văn hóa xã, 35 thư viện điện tử và 72 D-Com 3G từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tiếp cận tri thức, thúc đẩy phong trào tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Các hoạt động tham gia hội thảo đầu bờ, trao đổi kỹ thuật, tham quan các mô hình tiên tiến thường xuyên được các cấp bộ Đoàn chú trọng tổ chức, đặc biệt là các lớp tập huấn do khu vực hoặc TW tổ chức, đều có cử cán bộ tham gia học tập. Thông qua các lớp, các buổi tập huấn, hội thảo, toạ đàm kiến thức của đoàn viên và thanh niên nông thôn được nâng lên rõ nét, từ đó giúp đoàn viên và thanh niên nông thôn ứng dụng vào sản xuất luôn đạt hiệu quả cao và phong trào được phát triển rộng rãi.
- Tập trung tuyên truyên nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả của địa phương; mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền; tranh thủ với các ngành các cấp thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên cũng như mô hình liên kết phát triển kinh tế thông qua các ngành nghề đặc thù của địa phương cũng như ngành nghề truyền thống, mở rộng thị trường để quảng bá thương hiệu của ngành truyền thống. Tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tùy điều kiện thực tế cũng như thế mạnh của địa phương, các cơ sở Đoàn hướng dẫn thanh niên lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp như: Mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), tổ hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên, trang trại trẻ, mô hình kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, thủy hải sản, mô hình Tôm – Lúa – Cá kết hợp…
6/- Thực hiện các cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển kinh tế nông thôn:
Các cấp bộ Đoàn đã chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền tổ chức cho ĐVTN đảm nhận và thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên, tập trung hỗ trợ lực lượng xây dựng các đoạn đường chính trong xã, ấp, trục đường chính nội đồng như: cầu, đường, trường, trạm góp phần xây dựng nông thôn mới; vận động cán bộ, ĐVTN và quần chúng nhân dân thống nhất và có trách nhiệm đóng góp vật chất, công sức xây dựng các công trình hạ tầng công cộng của địa phương: Đường giao thông, kênh nội đồng, khu thiết chế văn hóa, trườn mẫu giáo, hệ thống cống rãnh thoát nước, trồng cây xanh, vườn hoa…
7/- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn:
Các cấp bộ Đoàn đã tập trung củng cố nâng cao chất lượng đoàn viên và tổ chức cơ sở Đoàn; lựa chọn cán bộ có năng lực, nhiệt tình, gắn bó với địa phương làm công tác Đoàn; thường xuyên đổi mới nội dung phương pháp sinh hoạt chi đoàn; chú trọng việc tổ chức sinh hoạt theo các chuyên đề; quan tâm phát triển và quản lý đoàn viên trên địa bàn dân cư chú trọng tới chất lượng không cần chạy theo số lượng; đa dạng hóa các loại hình, CLB, tổ, đội, nhóm để tập hợp thanh niên; khuyến khích đoàn viên đang học tập trong trường THPT, Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, đoàn viên công tác tại các cơ quan tham gia sinh hoạt với chi đoàn địa bàn dân cư; thông qua các phong trào để lựa chọn, bồi dưỡng các nhân tố tích cực, đoàn viên thật sự ưu tú giới thiệu cho Đảng, tham gia vào các hệ thống hính trị của địa phương.
III/- ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT:
1/- Những mặt được:
Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, hầu hết các cấp bộ Đoàn đã tập trung học tập quán triệt, tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở một cách nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả. Qua đó, tiếp tục tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vai trò, vị trí của nông dân nông thôn được khẳng định; tính năng động, sáng tạo, ý trí vươn lên trong học tập, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống của ĐVTN và nhân dân được phát huy, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
2/- Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
a/- Những tồn tại, hạn chế:
- Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết của một số cấp bộ Đoàn còn chậm, có nơi triển khai còn hình thức. Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết có nơi chưa thực sự quyết liệt.
- Công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với Đoàn thanh niên còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
b/- Nguyên nhân:
* Nguyên nhân khách quan:
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với nông dân: kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Chương trình hành động, Kế hoạch về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất là chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho thanh niên địa bàn dân cư được nâng cao trình độ hiểu biết nhiều chủ trương chính sách đầu tư phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…đã tạo thêm cơ hội cho thanh niên địa bàn dân cư có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Một số cấp bộ Đoàn nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của việc xây dựng nông thôn mới nên thiếu sự quan tâm; công tác quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết có nơi làm chưa nghiêm túc nên nhận thức của một bộ phận cán bộ, ĐVTN về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, do vậy chưa quan tâm giúp đỡ.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên chưa chủ động hưởng ứng, tham gia. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu chủ động.
IV/- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ:
- Tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” tới đoàn viên, TTN.
- Củng cố và phát triển các đội hình thanh niên tình nguyện; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở Đoàn, đoàn viên và Chi đoàn địa bàn dân cư.
- Đi vào hoạt động và đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác thanh niên.
- Kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng các công trình phục vụ an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
- Tập huấn cho cán bộ, ĐVTN về khai thác, ứng dụng Internet vào công tác, học tập và sản xuất kinh doanh. Tiến hành xây dựng thí điểm một số điểm truy cập Internet miễn phí cho ĐVTN và nhân dân.
- Vận động các nguồn lực xã hội xây dựng thí điểm khu thiết chế văn hóa ấp (có trang bị trang thiết bị thiết yếu để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải chí cho ĐVTN và nhân dân).
- Tuyên dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình là các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tiến hành tổng kết giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai thực hiện giai đoạn 2 (2016-2020).
IV/- ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
Để thực hiện thắng lợi chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sơ, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa.
Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ phụ trách nông thôn mới ở các xã, đặc biệt là các xã được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thông mới.
Trên đây là báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bạc Liêu.
TM. BAN THƯỜNG VỤ
Nơi nhận: PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
- Ban Dân vận Tỉnh ủy.
- Sở NN&PTNT tỉnh.
- BTV Tỉnh Đoàn. (Đã ký)
- BBT Website Tỉnh Đoàn.
- Lưu VP, Ban TNNT-CNĐT-LLVT. Phạm Thành Phước