Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023, sáng 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số, Chính phủ giữ vai trò dẫn dắt với tư duy từ doanh nghiệp, các nhà khoa học.
Phó Thủ tướng chia sẻ cảm xúc đặc biệt khi gặp nhiều bạn trẻ tại Diễn đàn, lực lượng chính trong kiến tạo và thực hiện chuyển đổi số. Điều đó thể hiện sự quan tâm, tâm huyết của thế hệ trẻ Việt Nam với lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cùng với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để thảo luận về xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và không thể đảo ngược.
Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược
Theo Phó Thủ tướng, khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hai trụ cột, lĩnh vực đóng góp quan trọng vào kinh tế số. Đây là một nguồn tài nguyên vô tận được sáng tạo, hình thành từ tư duy, trí tuệ con người để thay thế và phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nhân loại đã khai thác, sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Khẳng định xu thế tất yếu của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Phó Thủ tướng dẫn nghiên cứu cho thấy với tốc độ tăng dân số cùng mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì nhân loại phải cần tới 3 trái đất. Tuy nhiên, thế giới có thể tiếp tục duy trì sự phát triển theo cách mới với sự xuất hiện của kinh tế số, chuyển đổi số, tài nguyên số. Tương tự như việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (net zero), phục hồi hệ sinh thái tự nhiên sẽ được thực hiện với sự phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là những tư duy, nền tảng mới mang tính tất yếu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Việc lựa chọn con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp, net zero… đặt ra những thách thức rất lớn đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thay đổi cơ bản mô hình phát triển, hướng tới nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh; tăng trưởng nhanh và bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp,… trong đó kinh tế số là trọng tâm.
Hệ sinh thái công nghiệp số được hình thành bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo, từng bước đưa tất cả hoạt động kinh tế-xã hội vào lộ trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tận dụng các thành tựu của chuyển đổi số như kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, block chain, lưu trữ đám mây…
Kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP.
Điều đó khẳng định tiềm năng, nguồn tài nguyên quý giá về nhân lực của Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản, dữ liệu, công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số, đóng góp thực chất, hiệu quả, bền vững vào sự tăng trưởng của đất nước không dựa vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, kết quả đạt được của các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước; đồng thời yêu cầu phải phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái công nghiệp số trên cơ sở theo sát dự báo xu thế phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên thế giới, có cơ chế phù hợp để thu hút nhân tài.
"Các doanh nghiệp có thể đề xuất và đóng góp cho hoạt động của những trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số do Chính phủ thành lập để thu hút nhân tài trên thế giới, đưa ra những sản phẩm về công nghệ số có tầm cỡ thế giới", Phó Thủ tướng gợi mở.
Chính phủ dẫn dắt với tư duy doanh nghiệp
"Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời các doanh nghiệp đã từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp số", Phó Thủ tướng nói.
Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin (tin học hóa) sang công nghệ số, kết hợp với các thành tựu của công nghệ viễn thông; chuyển từ quản lý thông tin bằng giấy tờ sang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp thứ 76/193 nước.
"Chính phủ cần xác định vai trò của mình để thông qua cung cấp dịch vụ công, tạo môi trường pháp lý nhằm định hướng, dẫn dắt cuộc cách mạng chuyển đổi số, cùng với tư duy từ doanh nghiệp, các nhà khoa học, từ đó cùng phát triển kinh tế số, xã hội số", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Hướng tới thị trường toàn cầu trong chuyển đổi số
Chia sẻ về một số thách thức, giải pháp thực hiện chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số cùng với sự hình thành, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho quá trình quản lý, quản trị, ứng dụng đòi hỏi tính toàn cầu. Vì vậy, các ứng dụng, phần mềm, nền tảng trong chuyển đổi số không giới hạn ở thị trường Việt Nam hay trong một số lĩnh vực cụ thể… mà phải hướng đến thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong cuộc đua với những doanh nghiệp lớn của thế giới về chuyển đổi số. Cuộc đua này có thể giúp Việt Nam hình thành mô hình quản lý, quản trị hiện đại thông qua việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong cách thức tổ chức kinh tế, xã hội, nhà nước; hoạt động quản trị, hoàn thiện phần mềm sử dụng, khai thác, kết nối thông tin dữ liệu.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân, tổ chức; an ninh quốc gia; tiêu chuẩn công nghệ, phần mềm trong chuyển đổi số. Vì vậy, cần có môi trường, quy định pháp lý về vấn đề này trên phạm vi toàn cầu, nhất là vấn đề đạo đức, chia sẻ và hợp tác trong chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà khoa học.