Đó là những nhận định tại Diễn đàn đối thoại “Khởi nghiệp, việc làm”, tổ chức chiều 10/12. Lãnh đạo các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng chủ trì diễn đàn.
Thanh niên khó tiếp cận vốn để tạo việc làm
Tại diễn đàn, khẳng định khó khăn lớn nhất hiện nay của thanh niên trong tạo việc làm và khởi nghiệp là vấn đề nguồn lực, ông Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang đề xuất cơ chế về vốn. Ông Kiên cho biết, từ thực tiễn cơ sở thì nguồn vốn là yếu tố mà thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn đang cần nhất. Nguồn vốn này có thể giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho gia đình cũng như địa phương.
Từ thực tế này, ông Kiên đề xuất Bộ LĐ-TB&XH cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) của trung ương phối hợp Trung ương đoàn có cơ chế tạo ra kênh nguồn vốn giải quyết việc làm qua NHCS xã hội cấp tỉnh, và dành riêng phần này cho tổ chức đoàn thanh niên tự quản lý và giải ngân để giải quyết việc làm.
Về cách thức vay, ông Kiên kiến nghị NHCS xã hội có hướng dẫn để triển khai bằng hình thức cho vay người lao động. Hiện nay trong các nghị định, thông tư đã hướng dẫn cho vay theo người lao động nhưng trên thực tế tại địa phương việc cho vay đang qua các hộ. Việc này dẫn đến khó khăn như một hộ có hai vợ chồng đều đang độ tuổi thanh niên, nếu vay tín chấp thì chỉ được 50 triệu đồng, nhưng nếu cho vay theo người lao động thì với hai người mức vay có thể được 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Thị đoàn Mường Lay, Điện Biên cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần có nguồn vốn hỗ trợ vào phát triển kinh tế cho thanh niên. Cùng với đó là mở rộng cả số lượng và đối tượng thanh niên được tiếp cận vốn vay.
Cũng liên quan đến khởi nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hưng, Bí thư Đoàn Học viện Ngân hàng cho rằng, làn sóng khởi nghiệp hiện đang phát triển mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) song vấn đề đặt ra là làm sao để những DN này tiếp tục phát triển và tận dụng được những lợi thế vốn có. Bên cạnh đó, kỹ năng của người trẻ trong việc điều hành, quản trị DN đang còn rất yếu. Do đó, ông Hưng mong muốn nhà nước có định hướng phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn quản trị DN để các DN duy trì, phát triển được lợi thế khi khởi nghiệp.
Ông Hà Tuấn Linh, Bí thư đoàn Tổng công ty Sông Đà cũng cho rằng, tạo cơ chế để DN khởi nghiệp duy trì và phát triển là rất quan trọng, vì khi khởi nghiệp thất bại đồng nghĩa sẽ làm thất thoát nguồn vốn đầu tư có thể của nhà nước hoặc tư nhân. Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn, theo ông Linh cần có chính sách quan tâm đến các nhà đầu tư thiên thần như khung pháp lý, ưu đãi thuế để huy động nguồn vốn đa dạng cho khởi nghiệp.
Sẽ có cơ chế hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp
Phản hồi những kiến nghị của thanh niên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định, việc hỗ trợ về mặt pháp lý cho khởi nghiệp đã có, hiện đang nằm trong Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị quyết 35/NQ-CP. Tuy nhiên, ngoài hỗ trợ về mặt pháp lý cần nhiều hỗ trợ khác.
Hiện Chính phủ cũng đã thúc đẩy thành lập những mạng lưới về tư vấn các dịch vụ quản trị DN và mạng lưới tư vấn viên. Theo đó, các DNNVV được miễn chi phí khi sử dụng dịch vụ tư vấn của mạng lưới này. Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DNNVV, trong đó có các nội dung về việc xây dựng và thúc đẩy mạng lưới tư vấn viên, bao gồm tư vấn cho các DN khởi nghiệp.
Về các cơ chế vốn, ông Phương cho biết hiện đã có nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV, quỹ này sẽ cung cấp nguồn vốn theo định hướng khuyến khích các DNNVV khởi nghiệp, hiện quỹ đang được cấp khoảng 300 tỷ đồng. Các quy định cũng đang được xây dựng để việc tiếp cận vốn sớm đến được DN.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng, tùy theo điều kiện của địa phương để triển khai hoạt động đầu tư khởi nghiệp, việc đầu tư của nhà nước chỉ mang tính chất xúc tác, vốn mồi nhằm hỗ trợ chia sẻ rủi ro ban đầu với các nhà đầu tư.
Thực tế, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hiện chiếm không quá 30% so với tổng vốn đầu tư DN khởi nghiệp huy động được. Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cũng đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định quy định chi tiết đầu tư cho khởi nghiệp. Khi được thông qua, nghị định này sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như tạo căn cứ pháp lý cho các địa phương chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ cho khởi nghiệp trên địa bàn.
"Hiện Bộ KH&ĐT cũng đang hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ Dự thảo nghị định về tổ chức và phát triển Quỹ phát triển DNNVV, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo đó, khi hai nghị định này được ban hành chắc chắn những DN khởi nghiệp sẽ được tiếp cận vốn kịp thời và thuận lợi hơn", Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói./.