ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẠC LIÊU
* * *
Số: 21-HD/ĐTN
|
Bạc Liêu, ngày 24 tháng 5 năm 2013
|
HƯỚNG DẪN
Công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2013
Thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTGTU ngày 19/4/2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu về việc hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2013.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2013 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
2. Yêu cầu:
- Tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; nhận thức sâu sắc mục tiêu: Kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
- Công tác tuyên truyền cần đảm bảo sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền.
- Công tác tuyên truyền biển, đảo cần đảm bảo tính chủ động, nhạy bén, chính xác trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, có hiệu quả giữa các lực lượng tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các tình huống đột xuất. Tuyên truyền bằng mọi hình thức để thông tin về biển, đảo Việt Nam được thường xuyên, sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cần sử dụng và khai thác hiệu quả ưu điểm, lợi thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, Internet, blog, các trang mạng xã hội (cả bằng tiếng nước ngoài) để chuyển tải kịp thời quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
II. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU
1. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong các cấp bộ Đoàn và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta, trong đó có Luật Biển Việt Nam được Quốc hội (khóa XIII) nước CHXHCN Việt Nam thông qua; những nội dung cơ bản của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC) khi được thông qua.
2. Tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng biển, ven biển, gắn kết với đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của các địa phương, các ngành và cả nước; nêu cao vai trò và trách nhiệm của các thành phần kinh tế trong việc tham gia tích cực vào phát triển kinh tế biển; những thành tựu hợp tác quốc tế về biển.
3. Tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao những thành tựu khoa học – công nghệ và những kinh nghiệm tốt để ứng dụng vào việc nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản; phổ biến kiến thức về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, về thông tin và dự báo thời tiết, về phòng, chống thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cũng như bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; phát triển khoa học – công nghệ biển.
4. Tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Tổ tàu, thuyền an toàn trên biển”, về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trện an ninh nhân dân vùng ven biển. Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển trong ngư dân, những người lao động trên biển. Tuyên truyền về thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến ngư các chủ trương, chính sách khác của Chính phủ về phát triển kinh tế biển và ven biển. Tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng thiêng của Tổ quốc.
5. Đấu tranh với các hành động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, tài phán của Việt Nam đối với vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
6. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế đối với Việt Nam.
III. CÁC BIỆN PHÁP ƯU TIÊN
1. Ban Thường vụ các huyện, thành Đoàn, các Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn cần làm tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền biển, đảo năm 2013, gắn kết một cách hợp lý nội dung tuyên truyền biển, đảo với kết quả sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đoàn tòan quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Bạc Liêu lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đoàn của cấp mình.
2. Lực lượng làm công tác tuyên truyền trong hệ thống của Đoàn cần thực hiện nghiêm túc các quy định về cung cấp thông tin và sử dụng thông tin của Đảng và Nhà nước đã ban hành liên quan đến vấn đề biển, đảo Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm cơ quan chủ quản, lãnh đạo ban biên tập của các cơ sở hoạt động báo chí của Đoàn; rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tuyên truyền vì lợi ích của Tổ quốc trước những ấn phẩm tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam. Chủ động, làm tốt công tác tư tưởng; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các lực lượng để tuyên truyền thông tin kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống đột xuất, nhạy cảm, phức tạp diễn ra trên Biển Đông.
3. Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cần hướng đến đúng đối tượng đoàn viên, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên, ngư dân, công nhân lao động trong các thành phần kinh tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Kết hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo với tuyên truyền đối ngoại thông qua tất cả các kênh chính thức. Coi trọng việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, thâm nhập thực tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về biển, đảo.
4. Xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của đơn vị, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thỉnh thị, báo cáo theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn tuyên truyền biển, đảo năm 2013, đề nghị các đơn vị trực thuộc Tỉnh Đoàn sớm xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong các cấp bộ Đoàn và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn, số 2 Hùng vương, p1, TP. Bạc Liêu. ĐT: 3.501896; email: bantuyengiaotdbl@gmail.com.
Nơi nhận:
- BTG Trung ương Đoàn;
- BTG Tỉnh ủy;
- BTV Tỉnh Đoàn;
- Các đơn vị trực thuộc;
- BBT Website Tỉnh Đoàn;
- Lưu VP, BTG.
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Phạm Thành Phước
|