Liên kết web
Công báo Bạc Liêu
Người dân hỏi CQ Chức năng trả lời
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - Kết hợp "Đánh và Đàm" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Những câu chuyện kể về Bác
Thứ sáu, 08/05/2020, 22:15
Màu chữ Cỡ chữ
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - Kết hợp "Đánh và Đàm" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Đàm phán, thương lượng là nghệ thuật đấu tranh ngoại giao trực diện, là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành thế có lợi trên bàn đàm phán, nhằm mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng.

 

Đàm phán, thương lượng là nghệ thuật đấu tranh ngoại giao trực diện, là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành thế có lợi trên bàn đàm phán, nhằm mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh ngoại giao Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, trên cả phương diện chiến lược và sách lược (chủ trương, đường lối, chính sách ngoại giao; nghệ thuật biết thắng từng bước); vận dụng một cách nhuần nhuyễn kinh nghiệm ngoại giao truyền thống, kết hợp với sử dụng nguyên tắc trong quan hệ quốc tế vào hoàn cảnh thực tiễn để giành thắng lợi.

Trong cuộc đối đầu giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ - kẻ địch có sức mạnh vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là về vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, bộ máy quân sự chuyên nghiệp, vấn đề phải giải quyết là so sánh lực lượng, vấn đề thực lực trong đàm phán để đạt được mục tiêu chiến lược.

Do đó, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm chỉ đạo “vừa đánh, vừa đàm”, nhằm từng bước chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực mới. Trong cuộc đấu tranh này, không được nóng vội chủ quan, xa rời mục tiêu chiến lược.

Người quán triệt: “Ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi”; “Chúng ta cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”.

 

Người phân tích, ta phải biết thắng từng bước. Phải: “Kiên trì phương châm ra sức hạn chế cuộc chiến tranh xâm lược của địch và thắng địch trong cuộc chiến tranh hạn chế đó”; trong quá trình đấu tranh trên bàn hội nghị: “miền Bắc cứ đàm, miền Nam cứ đánh". Đây là quan điểm hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Theo phương châm đó, chúng ta đã làm phá sản mưu đồ “quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam” của Mỹ, làm thất bại âm mưu giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam giống như cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh ngoại giao Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, trên cả phương diện chiến lược và sách lược.

Trong đấu tranh ngoại giao, Hồ Chí Minh quán triệt phải coi trọng mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận quân sự, mặt trận chính trị, kết hợp giữa “đánh và đàm”, đưa đến hiệu quả cao nhất. Người đã chỉ rõ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành trên bàn hội nghị cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường.

Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động.

Nói chuyện với đoàn đại biểu Chính phủ ta sắp lên đường đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris, Người căn dặn: "Các chú đi Pháp, ở nhà người ta đánh cho các chú phát huy, nghĩa là phải biết tận dụng thắng lợi trên chiến trường để làm “vốn" đàm phán. Phải phối hợp quân sự với ngoaị giao, vừa đánh, vừa đàm mới có hiệu quả cao nhất".

Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phối hợp đấu tranh hiệu quả cả trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; huy động được sức mạnh của ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân và hoạt động quốc tế của Đảng phục vụ cho cuộc chiến.

Kiên quyết đấu tranh cho mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao biết thương lượng, có đầu óc thực tế, biết tìm ra mẫu số chung cho mỗi cuộc đối thoại. Người nhìn thấy cuộc chiến tranh sẽ rất tàn khốc, do đó tư tưởng chỉ đạo của Người là: “Lúc nào nó muốn đi ra, tạo điều kiện cho nó ra đi, đứng làm nhục nó”.

Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuối Mỹ đi”. Việc dự tính sự cần thiết phải tìm cho Mỹ một lối thoát danh dự, cho thấy thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời chứng tỏ sự phán đoán tài tình của Người về kết cục tất yếu của cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành.

Để tạo thế thuận lợi cho việc triển khai chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, Hồ Chí Minh và Đảng ta chỉ đạo thực hiện các hình thức đấu tranh khác, phối hợp với hoạt động quân sự trên chiến trường và phong trào đấu tranh chính trị ủng hộ Việt Nam trên khắp thế giới, nhằm nêu cao thiện chí hòa bình trước dư luận tiến bộ.

Tính chính nghĩa của Việt Nam đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả nhân dân Mỹ đồng tình, tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục chống chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi cho mặt trận ngoại giao chuyển sang giai đoạn tấn công, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ L. Johnson phải xuống thang chiến tranh.

Tháng 5/1968, Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán tại Hội nghị Paris, mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh ngoại giao sôi động, đạt tới đỉnh cao trong việc sử dụng nghệ thuật "vừa đánh, vừa đàm". Hội nghị Paris đã kéo dài trong hơn 3 năm, trong các phiên họp chính thức, cũng như trong các cuộc đàm phán “hành lang”, các nhà ngoại giao Việt Nam đã khiến cho kẻ địch phải kính nể về tính kiên trì, đấu tranh khôn khéo để đạt được mục tiêu chiến lược - Mỹ phải rút quân về nước.

 

 

Có thể nói, cùng với sự chỉ đạo trên mặt trận chính trị, quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến tranh của Mỹ. Ngoại giao trở thành một trong ba mặt trận liên hoàn, tấn công trực diện vào kẻ thù. Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao “vừa đánh vừa đàm” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước tạo ra thế và lực mới, tác động trở lại trên chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng.

Nghệ thuật ngoại giao “vừa đánh vừa đàm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự linh hoạt sáng tạo, mềm dẻo nhưng kiên định, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực lực và dư luận; thể hiện khôn khéo về sách lược và chiến lược, góp phần quy tụ được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. “Mỹ cút” đó là thời cơ thuận lợi để quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đánh cho “Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

PGS.TS.TRẦN MINH TRƯỞNG
Nguồn: Thế giới & Việt Nam

Số lượt xem: 2289

 
 
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH BẠC LIÊU
Đơn vị quản lý: Tỉnh đoàn Bạc Liêu
Chịu trách nhiệm chính: Đồng chí Phạm Tuấn Tài - Bí thư
Địa chỉ: Số 02, đường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.824.003 - Fax: 02913.826.040 - Email: banbientaptdbl@gmail.com