ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẠC LIÊU Bạc Liêu, ngày tháng năm 2013
***
Số: BC/ĐTN
BÁO CÁO
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2013
-----------------------
Thực hiện công văn số 09-CV/BNCTU, ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu về việc báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng Qua 9 tháng đầu năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, BTV Tỉnh Đoàn Bạc Liêu báo cáo một số nội dung sau:
I. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng:
- Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc thực hiện chính trị của từng địa phương, đơn vị; chính vì vậy, trong năm qua chi bộ, lãnh đạo cơ quan Tỉnh Đoàn phối hợp với Công đoàn cơ sở quan tâm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
+ Tại hội nghị công chức cuối năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo BCH Công đoàn cơ sở thành lập và củng cố Ban thanh tra nhân dân gồm 3 thành viên thường xuyên thanh tra giám sát, kiểm kê tài sản cơ quan cũng như các khoản vận động, thu, chi ngân sách và các loại quỹ ngoài kế hoạch.
+ Thông qua các hoạt động sinh hoạt chính trị đầu năm học; các Nghị quyết của chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật phòng chống tham nhũng tới từng cán bộ, đảng viên; từ đó đã nâng cao được ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của mọi cán bộ công nhân viên cơ quan.
+ Đồng thời để tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thông qua các buổi chào cờ sinh hoạt kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo định kỳ (2 lần/tháng), chi bộ tổ chức triển khai, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) tới tất cả (100%) cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức cơ quan tham gia. Hàng quý, 6 tháng hoặc cuối năm, bộ phận kế toán tài vụ thường xuyên thông tin báo cáo công khai, minh bạch kinh phí hoạt động với chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn.
- Căn cứ Luật PCTN, BTV Tỉnh Đoàn cụ thể hoá nhiệm vụ PCTN trong mọi lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình và đưa công tác phòng, chống tham nhũng của đơn vị trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục.
2. Kết quả thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng:
- Thực hiện Quy chế về tự kiểm tra công khai minh bạch tài chính, ngân sách cơ quan; giám sát việc cấp phát, thanh toán làm ngoài giờ, phụ cấp chức vụ của cán bộ; kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm các Ban chuyên môn của Tỉnh Đoàn; Rà soát, thực hiện nâng lương cho cán bộ và giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của luật công chức; cũng như việc thanh quyết toán các chế độ công tác phí, kinh phí đào tạo theo đúng quy định.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cũng như các loại văn bản quy định chế độ thanh quyết toán, thời gian thanh quyết toán đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn và định mức của ngân sách Nhà nước quy định; 100% cán bộ công chức cơ quan phái gương mẫu trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị.
- BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo hoàn thành các văn bản báo cáo kinh phí đảm bảo theo luật Nhà nước, yêu cầu tất cả cán bộ công nhân viên chức cơ quan thực hiện đúng các nhiệm vụ theo yêu cầu của luật phòng chống tham nhũng đã đề ra.chỉ đạo BCH Công Đoàn kiện toàn bộ máy Ban thanh tra nhân dân thường xuyên theo dõi, giám xác, kiểm kê và sử dụng tài sản cơ quan.
- Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong công tác PCTN; các phòng, ban trực thuộc cơ quan đã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong việc xử dụng kinh phí cơ quan; phát huy vai trò làm chủ của cán bộ, công chức, kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các đoàn thể quần chúng ngăn chặn đẩy lùi, khắc phục những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát các hoạt động của cơ quan; căn cứ nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền; giải quyết, xử lý các chứng từ thanh toán, bản thanh toán chưa đúng quy định của tài chính; kiểm tra, xác minh có kết luận chính xác, khách quan đối với các vụ việc; cũng như những biểu hiện tiêu cực trong việc chi tiêu kinh phí nội bộ.
- Trong công tác thu chi, quản lý tài chính đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành và đúng với Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan. Trong đầu tư xây dụng, trong quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan sử dụng đúng mục đích.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1/- Thuận lợi :
- Thông qua việc thực hiện đúng Luật phòng chống tham nhũng đã từng bước giúp cho cá nhân, đơn vị nâng cao được nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó tích cực tham gia vào công tác phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
- Tổ chức nghiêm túc việc thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của cán bộ, đảng viên, công chức trong các hoạt động. Từng bước ngăn ngừa được các hành vi vi phạm thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo của BTV và các tổ chức đoàn thể cơ quan trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
- Thường xuyên tổ chức báo cáo công khai minh bạch tài chính trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu chính đáng của cán bộ CNVC cơ quan.
2/- Hạn chế:
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Công tác học tập, tuyên truyền các chủ trưởng, Nghị quyết của Đảng về Luật phòng chống tham nhũng còn những hạn chế, vẫn còn có một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này; do vậy vẫn còn có những trường hợp thanh quyết toán chưa đúng quy định của đơn vị.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyềnphổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công nhân viên của cơ quan. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trực thuộc tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên trẻ và đoàn viên thanh niên các nội dung và giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các Luật liên quan tới tham nhũng.
- Thực hiện nghiêm quy chế Dân chủ cơ sở, công khai minh bạch tài chính trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên.
- Mạnh dạn đấu tranh, tố giác và kịp thời ngăn chặn những hành vi, dấu hiện sai trái trong việc sử dụng, lạm dụng công quỹ và tham nhũng.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng tại các địa phương, đơn vị, các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp có sử dụng Ngân sách Nhà nước.
- Cần có biện pháp xử lý kịp thời và thỏa đáng đối với các tổ chức, cá nhân cố tình tham nhũng hoặc lợi dụng quyền hạn và chức vụ để thực hiện hành vi tham nhũng...
Trên đây là báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của BTV Tỉnh Đoàn Bạc Liêu qua 9 tháng đầu năm 2013.
TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN
Nơi nhận: PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
- Ban nội chính Tỉnh ủy;
- Lưu VP, BTG.
(Đã ký)
Phạm Thành Phước