Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 3 năm 2019, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh (đã thả giống) 2.028 ha (trong đó tôm sú 863 ha, tôm thẻ chân trắng 1.165 ha), tăng 1.040 ha so với tháng trước và tăng 889 ha so với cùng kỳ năm 2018, nâng diện tích thả giống tôm thâm canh, bán thâm canh lên 4.612 ha (trong đó tôm sú 2.418 ha, tôm thẻ chân trắng 2.194 ha) tăng 591 ha so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, trong tháng, diện tích nuôi tôm thiệt hại với mức độ trên 70% là 111 ha (trong đó tôm sú 52 ha, tôm thẻ chân trắng 59 ha); lũy kế thiệt hại (tính đến ngày 14 tháng 3 năm 2019) là 143 ha (tôm sú 73 ha, tôm thẻ chân trắng 70 ha). Theo nhận định của các chuyên gia, tôm thiệt hại chủ yếu do môi trường không ổn định, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao làm tôm bị sốc; do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, một số ít bị bệnh đốm trắng, đỏ thân, phân trắng và chưa rõ nguyên nhân. Để đảm bảo sức khỏe cho tôm hạn chế rủi ro khi nuôi tôm trong mùa nắng nóng cần lưu ý: Khi nhiệt độ tăng cao trên 320C thì tôm sẽ ngừng ăn, nằm yên và vùi mình trong lớp bùn đáy. Ở điều kiện nhiệt độ cao, quá trình hô hấp của tôm xảy ra nhiều hơn và các phản ứng sinh hóa trong nước làm tiêu hao nhiều oxy nên dễ dẫn đến tôm bị thiếu dưỡng khí vào ban đêm. Vào mùa nắng nóng, quá trình thay đổi các yếu tố môi trường, cụ thể như sự biến động nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy hòa tan, độ trong, tảo sẽ phát triển nhiều, khi tảo phát triển đến một giai đoạn nhất định (từ 7-10 ngày) thì sẽ dẫn đến quá trình tàn lụi, làm biến động pH và tích tụ nhiều khí độc trong ao. Quá trình thay đổi các yếu tố chất lượng nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Tôm nuôi dễ bị sốc môi trường (như nhiệt độ, pH, khí độc, …) và mầm bệnh cơ hội dễ tấn công như một số bệnh đóng rong, đen mang, cong thân, cụt râu. Để hạn chế những bệnh trên, người nuôi không nên gây sốc cho tôm bằng các biện pháp như chài, mò, thăm vó, ... Nên thường xuyên kiểm tra màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện và xử lý kịp thời. Người nuôi nên tăng cường sức khỏe của tôm bằng các loại thức ăn có bổ sung vitamin C, khoáng chất, thuốc bổ gan, ... Khi tôm thẻ chân trắng đạt trên 30 ngày tuổi nên giảm liều lượng cho ăn vào ban đêm và tăng cường chạy quạt từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tùy theo mật độ thả tôm trong ao.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sục khí mạnh nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ nước trong những ngày nắng nóng - Ảnh : Hoàng Trang
Để cải thiện sự thay đổi các yếu tố môi trường này, trước hết, người nuôi phải gia cố bờ ao thật kỹ nhằm tránh những yếu tố gây hại từ bên ngoài, hạn chế sự rò rỉ nước trong ao. Bên cạnh đó, người dân hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, chỉ nên cấp nước qua ao lắng và nâng mực nước trong ao nuôi đạt từ 1 đến 1,4m. Đối với những ao nuôi không có ao lắng, sau khi cấp nước bà con nên bổ sung vitamin C, vi khoáng, hóa chất khử kim loại nặng kết hợp với vôi dolomite tạt xuống ao với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, để ổn định các yếu tố môi trường nước, trong quá trình nuôi, người nuôi nên thường xuyên sử dụng các loại men vi sinh tạt xuống ao để tạo ra các chủng vi khuẩn có lợi và hạn chế khí độc bùng phát trong ao nuôi tôm. Việc quản lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi là điều vô cùng quan trọng trong nuôi tôm. Khi các yếu tố này được ổn định ở ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt hơn và tránh dịch bệnh. Vào mùa nắng nóng đôi khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa, khi đó môi trường nước sẽ gặp biến động, cần theo dõi để xử lý kịp thời; xây dựng ao lắng riêng để có thể chủ động được nguồn nước sạch trước khi lấy vào ao và duy trì mực nước trong ao để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra; quản lý đáy ao sạch, không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định, xi phông đáy ao thường xuyên; nên thả nuôi với mật độ thích hợp để dễ quản lý.
Tài liệu tham khảo: Theo báo cáo 3 tháng đầu năm 2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu.
Tài liệu: Kỹ thuật nuôi tôm – Đại học Cần Thơ.
Hoàng Tran