Giải thưởng Kovalevskaia 2015 được trao cho 2 nhà khoa học nữ là PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS. Bs Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà là người đã hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hơn 20 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, bà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Trong đó công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh hoc (bioremediation) là một trong số những công trình lớn mà bà cùng với các học trò và đồng nghiệp đầu tư nhiều công sức.
Chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm. Kết quả đã được đánh giá ở các cấp khác nhau trong nước và quốc tế. Hiện nay, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường qui mô lớn như ở Việt Nam.
Với những cống hiến này PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà được nhận giải Nhất giải thưởng VIFOTEC 2001; Bằng khen của Tổng LĐLĐ VN, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường (2001); Bằng khen của Thủ tướng chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (2005); Huy chương vàng và bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012) và nhiều Huy chương quốc tế khác.
Cũng vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015, TS.Bs Phạm Thị Ngọc Thảo "ghi công" bằng nhiều kết quả nghiên cứu ý nghĩa. Theo đó hiện nhiều đề tài tiêu biểu của bà đã có giá trị ứng dụng cao và hiệu quả tốt trong công tác cứu chữa người bệnh, như “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não”; “Ứng dụng lọc máu hiện điều trị bệnh lý cấp cứu” và “Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập”…
TS Phạm Thị Ngọc Thảo đã có hơn 40 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí Y học TP.HCM, Y học thực hành, Y học Việt Nam. Trong quá trình công tác, chị luôn ứng dụng khoa học vào thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh, tích cực tham gia đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổng thể bệnh viện, nâng cao quản lý chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, bước đầu xây dựng mạng hoàn chỉnh khối ngoại trú: bệnh án ngoại trú, đơn thuốc, xét nghiệm, dược và tài chính. Áp dụng kỹ thuật mới trong hồi sức: thông khí nhân tạo, lọc máu,…
Đặc biệt trong thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, bà được phân công chịu trách nhiệm tại 2 tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp. Tại bệnh viên tỉnh Trà Vinh, bà thực hiện điều trị cho 60 bệnh nhân nội trú, phẫu thuật 254 bệnh nhân, giảm tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên tới 20%.
Tại Bệnh viện tỉnh Đồng Tháp, bà hướng dẫn thực tế trên 80 bệnh nhân, mở lớp siêu âm thực hành 3 tháng với 25 học viên, giảm tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên 15,4%. Chính những thành tích và cống hiến của chị cho sự phát triển y khoa nước nhà, nhiều danh hiệu cao quý như Thầy thuốc ưu tú, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... đã được trao tặng cho Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo.
Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc Thế kỷ XIX-Sophia Kovalevskaia (1850-1891). Ngay từ khi ra đời, Giải thưởng Kovalevskaia đã được các nhà khoa học nữ Việt Nam hưởng ứng, coi đó là nguồn động viên, cổ vũ chị em thêm tự tin, hăng hái đi vào nghiên cứu khoa học.
Từ năm 1985 tới nay, Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu được trao cho 44 cá nhân và 17 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng.Kể từ năm 1985 đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Chủ tịch, đã xét chọn từ hàng trăm hồ sơ để trao Giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…